(iHay) Thằng em ở Phước Tỉnh (Vũng Tàu) gọi về nói anh chuẩn bị nhận hàng xịn. Mình nói chắc “không phải dạng vừa đâu” chứ gì. Nó xì một tiếng, nói cụm từ đó không có cửa để định danh món ăn “thời thượng” này.
Khô cá đuối ó
|
Đu đưa một chặp, nó chợt hạ giọng nói như sợ ai nghe: “Khô cá đuối ó. Phải kiếm mấy chiều gian khó mới có cho anh. Người Phước Tỉnh hay nói tiền thì có đó nhưng hổng có cá đuối ó mà mua”.
Tên “cá đuối ó” là do ngư dân quan sát dáng bơi của cá đuối khá giống với dáng bay của con chim ó nên đặt như vậy.
Thật ra, ở Sa Huỳnh (Quảng Ngãi) cũng như Phước Tỉnh những năm trước đây cá đuối ó không đến mức khó kiếm. Khoảng thời gian đó, việc đánh bắt cá đuối tương đối dễ, thuyền câu bủa sáng đi chiều về là có hàng tấn cá đuối. Thêm vào đó, lượng dân nhậu “hữu cơ” trong xã hội có chừng mực chứ không tăng… đột biến như hiện tại. Muốn ăn, chỉ cần hỏi bạn là ngư dân biết lai rai: “Cho bậy ít miếng cá đuối”, là ngay lập tức được đáp ứng.
Giờ thì khác rồi. Có lẽ cá đuối “biết” mình “lên đời”, là đối tượng săn lùng riết róng của ngư dân nên chúng kéo nhau di cư tận những vùng biển sâu và xa tít mù khơi.
Ở ngoài đó sóng to, gió lớn, thiên tai và “nhân tai” luôn rình rập, bắt được con cá đuối cỡ một tạ là coi như bắt được “vàng”. Hơn nữa cái ngon của cá đuối lại được giới nhà hàng quán nhậu PR rầm rộ nên rất hút hàng. Khách du lịch vùng biển về thế nào cũng mua vài ký khô cá đuối làm quà cho người thân nên cá đuối trở thành loại cá “hot”. Khách muốn mua số lượng từ 5 kg trở lên phải đặt hàng trước cả tuần lễ. Mà giá mỗi ký khô cá đuối ó có khi lên tới 8, 9 trăm ngàn chứ ít đâu. Có lẽ ít có loại cá nào khi tươi thì giá dễ chịu, khi khô thì giá quá đỏng đảnh như cá đuối ó. Ngay cả khô mực loại 1 nổi tiếng ngọt thơm từ lâu giờ cũng phải nghiêng mình trước đàn anh cá đuối ó.
Thực tình, cũng đã khá lâu mình mới thấy lại miếng cá đuối ó. Chiều cuối tuần, trời rắc chút mưa đầu thu, lại đang có mồi trước mắt đây, mắc mớ gì để nỗi nhớ hương vị cá đuối hoành hành? Vậy là hú mấy anh em tới, đưa miếng khô cá lên giàn hỏa. Một thằng ngăn lại, nói từ từ, để ngâm nước chút xíu cái đã, khoảng 10 phút. Thì ngâm. Rồi để cho ráo mới cho miếng cá lên vỉ. Ui, cái loại cá này, mới bén lửa một chút đã ngào ngạt hương thơm. Như hạt lúa phải xay giã mới thành gạo trắng, khô cá đuối nướng cũng vậy, phải dùng chày giần cho tơi xốp rồi xé ra từng mảnh nhỏ thì miếng cá mới mềm mại và thơm lâu.
Em gái mình làm một chén mắm me ngon líu lưỡi với điều kiện “cho em một miếng, em ăn không thôi, không nhậu với mấy anh đâu”. Nghe nói cô tiếp viên nhà hàng nào đó có câu thơ rằng: “Cá đuối mà chấm mắm me / Ngon đến nỗi quên lối về đó anh”. Câu này lại hơi cường điệu. Nhưng cứ hỏi cái lưỡi ẩm thực mà xem, đúng y chang. Mắm me “đi” với khô cá đuối nướng ngon… truyền kiếp luôn. Vị me chua chua làm mềm môi. Những ngụm bia làm mềm lưỡi. Từng sớ cá đong đầy chất ngọt, chất béo phảng phất vị mặn mòi của biển. Gặp miếng cá có gân và sụn đi kèm thì thôi, khỏi nói, cứ nhai nhỏ nhẻ và khe khẽ nghe vị bùi bùi và âm thanh sừn sựt “diễu” qua mặt lưỡi. Cứ cái điệu mồi đây, bia đấy thì “sầu” cũng quên tuốt luốt huống chi là đường về.
Trần Cao Duyên
>> Cá lưỡi trâu kho mít non
>> Cá bòng nhúng dấm chấm mắm cái cá cơm
>> Săn cá 'khủng' ở Côn Đảo
Bình luận (0)