Rất nhiều khách hàng bị hủy, hoãn chuyến bay bức xúc khi chỉ được đền bù thiệt hại bằng một bữa ăn hay vài trăm ngàn đồng. Trong khi vì không bay đúng giờ, có người bị lỡ việc quan trọng, lỡ cuộc gặp gỡ với đối tác, thậm chí lỡ cả những việc trọng đại trong cuộc đời. Nhưng dù bèo bọt, khách hàng của các hãng hàng không còn được đền bù. Rất nhiều lĩnh vực, người mua phải chịu thiệt hại cả về tinh thần lẫn vật chất nhưng hầu như chẳng bao giờ được bồi thường. Đó là khách hàng của các ngành điện, nước, viễn thông...
Ví dụ như với ngành điện, luật Điện lực đã quy định nếu bên cung cấp có lỗi, gây thiệt hại cho khách hàng thì phải bồi thường. Nội dung này cũng được quy định rõ trong các điều khoản hợp đồng mua bán giữa hai bên. Nhưng trong thực tế, việc xác định, đánh giá mức thiệt hại do lỗi của bên bán điện gây ra cho bên mua rất phức tạp và thường không đạt được sự thống nhất. Hơn nữa hợp đồng là do ngành điện soạn sẵn, người mua chỉ việc ký vào chứ không có quyền góp ý, sửa đổi. Nên chuyện nửa đêm nóng nực hay đang sản xuất bỗng dưng bị cúp điện xảy ra thường xuyên nhưng người dân chỉ còn cách chấp nhận.
Với ngành nước cũng tương tự. Mỗi khi nước đục, nước bẩn, nước không đạt chất lượng hay cúp nước đột ngột... người dân chỉ còn cách xách thùng đi mua, xin nước về dùng tạm chứ chẳng mấy ai nghĩ đến chuyện kiện đòi đền bù thiệt hại. Còn nhớ năm ngoái, hàng triệu người dân Hà Nội khốn khổ vì mất nước do đường ống sông Đà liên tục bị bể. Thậm chí, vì thiếu nước, có bệnh viện ngưng mổ, có bệnh viện chỉ nhận cấp cứu, bệnh nhân phải xuất viện sớm... Những thiệt hại về vật chất, tinh thần, sức khỏe của người dân, của xã hội là rất lớn, ai cũng nhìn thấy, nhiều chuyên gia cũng lên tiếng “hối” người dân, doanh nghiệp bị thiệt hại đi kiện. Nhưng cuối cùng thì cũng chẳng ai được bồi thường. Hay với viễn thông, chuyện nghẽn mạng, đứt mạng liên tục xảy ra nhưng các “thượng đế” cũng chỉ biết chấp nhận.
Có thể thấy, tình trạng bất bình đẳng cho người mua chỉ xảy ra với các ngành độc quyền hoặc ít có sự cạnh tranh. Các ngành này đều có hợp đồng mua bán nhưng do chính họ soạn thảo và để bảo vệ mình, họ thường đẩy cái khó khăn cho người dân. Phần quyền và nghĩa vụ của phía khách hàng được “chăm sóc” rất kỹ trong khi phía cung cấp dịch vụ thì sơ sài, ít ràng buộc. Người dân biết rõ điều này nhưng vẫn phải ký bởi nếu không sử dụng dịch vụ của các đơn vị này thì chỉ có cách “nhịn” luôn.
Vì vậy, để khắc phục, ngoài việc “sửa” hợp đồng theo hướng quy định rõ nghĩa vụ của các đơn vị cung cấp dịch vụ, cụ thể hóa được mức bồi thường thì phải “trị” tận gốc rễ vấn đề. Đó là xóa bỏ độc quyền, tạo một thị trường cạnh tranh để người dân có quyền lựa chọn nhà cung cấp tốt nhất cho mình.
Bình luận (0)