Khó dẹp nạn bơm nước vào heo

29/05/2015 10:02 GMT+7

Dù cơ quan chức năng Đồng Nai quyết liệt vào cuộc, nhưng tình hình bơm nước vào heo trên địa bàn vẫn tồn tại.

Dù cơ quan chức năng Đồng Nai quyết liệt vào cuộc, nhưng tình hình bơm nước vào heo trên địa bàn vẫn tồn tại.

Khó dẹp nạn bơm nước vào heo
Đội Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường bắt quả tang cơ sở ông Vui bơm nước vào heo - Ảnh Lê Lâm
Vào cuối năm 2014, sau khi Báo Thanh Niên phản ảnh về tình trạng bơm nước vào heo diễn ra ở nhiều nơi, UBND tỉnh Đồng Nai đã yêu cầu ban ngành vào cuộc điều tra, xử lý nghiêm. Tính đến nay, lực lượng chức năng Đồng Nai đã bắt quả tang 7 trường hợp bơm nước vào heo. Gần đây nhất là vào lúc 20 giờ ngày 18.4, Đội Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường Công an TP.Biên Hòa phối hợp với lực lượng thú y kiểm tra và phát hiện cơ sở của ông Phan Văn Vui (46 tuổi, ngụ tại tổ 9, ấp 3, xã An Hòa, TP.Biên Hòa) đang tổ chức bơm nước vào hàng trăm con heo. Tại hiện trường, lực lượng chức năng xác định có khoảng 120 con heo thịt đang bị 5 thanh niên tiêm thuốc an thần, sau đó bơm nước vào bụng trước khi đưa đi tiêu thụ. Qua kiểm tra, xác định có khoảng 30 con heo đã được bơm nước. Chủ cơ sở cho biết sau khi bơm nước vào bụng, số heo này được đưa vào một lò mổ tại Q. Bình Thạnh (TP.HCM).
Mức phạt quá nhẹ
Chất cấm vẫn còn sử dụng
Theo báo cáo của Chi cục thú y Đồng Nai, trong năm 2014, cơ quan này đã kiểm tra và phát hiện 9 trường hợp sử dụng chất cấm trong chăn nuôi. Còn trong quý I.2015, cũng đã phát hiện 4 trường hợp.
Lý giải về việc khó dẹp được nạn bơm nước vào heo, ông Trần Văn Quang, Chi cục trưởng Chi cục thú y Đồng Nai nói: “Do mức xử phạt quá nhẹ, theo Nghị định 119 mỗi trường hợp bị phát hiện chỉ bị xử phạt 5,5 triệu đồng thì không ăn thua gì so với lợi nhuận mang lại, nên các đối tượng này không sợ mà vẫn lén lút làm”. Còn Phó trưởng phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường (PC49) Công an tỉnh Đồng Nai Võ Đình Thường cho biết: “Những trường hợp bơm nước vào heo, chúng tôi chỉ xử phạt hành chính chứ không xử lý hình sự được. Mà mức phạt xử phạt hành chính lại quá thấp, nên bắt chỗ này các đối tượng đi làm chỗ khác. Hiện nay, theo Quyết định 03 của UBND tỉnh Đồng Nai, động vật không rõ nguồn gốc xuất xứ và vi phạm an toàn vệ sinh thực phẩm mà PC49 phát hiện được thì có quyền tịch thu tiêu huỷ, còn súc vật thì lại không. Nếu như Nghị định hay Quyết định của UBND tỉnh Đồng Nai cho phép tịch thu tiêu hủy súc vật bị bơm nước, thì tôi nghĩ việc làm này sẽ dứt ngay”.
Ông Thường cũng cho biết thêm, trong những lần triệt phá cơ sở bơm nước vào heo, lực lượng luôn phát hiện các đối tượng đã chích thuốc an thần. Theo lời khai của chủ cơ sở, thì loại thuốc này làm cho phân không ra ngoài và heo không bị ói. Ngoài ra còn giúp việc đưa nước vào heo dễ dàng hơn. Để có thêm cơ sở xử lý, PC49 có yêu cầu phía Chi cục thú y tỉnh Đồng Nai xét nghiệm, xem có gây ảnh hưởng đến người tiêu dùng.
Trong khi đó, ông Trần Văn Quang cho biết, loại chất an thần này có tác động đến hệ thần kinh, thời gian bán rã 48 tiếng, nếu heo được đưa đi giết mổ trước thời gian trên thì trong thịt vẫn còn tồn động, như vậy người tiêu dùng ăn vào sẽ bị ảnh hưởng. “Chi cục đã đưa mẫu đến các trung tâm xét nghiệm ở TP.HCM, tuy nhiên tất cả nơi này đều không có danh mục xét nghiệm chất này”, ông Quang nói.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.