“Sau một trận ốm thập tử nhất sinh đôi chân con teo lại và liệt từ đấy, con buồn một là tôi buồn mười. Tôi biết mình phải bù đắp cho con bằng chính tình thương của người mẹ”...
|
Bà Nguyễn Thị Tâm quê ở xã An Bình, huyện Thuận Thành (Bắc Ninh) nói về quyết định lên Hà Nội đưa con đến trường mỗi ngày như thế.
Đôi chân mẹ
Gần bốn năm nay, người dân đường Giáp Nhất (P.Nhân Chính, Q.Thanh Xuân, Hà Nội) đã quen với hình ảnh hai mẹ con bà Tâm nương tựa nhau trong một căn phòng trọ chừng 7m². Một chiếc giường cũ kỹ, đồ dùng hằng ngày, bếp gas, sách vở... chất ngổn ngang. Từ cái ăn, cái mặc, giấc ngủ hay hàng chục công việc không tên khác bà đều lặng lẽ làm vì con. Nguyễn Hà Hải hiện là sinh viên năm cuối khoa thông tin - thư viện Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn (ĐH Quốc gia Hà Nội). Năm 2008, Hải là một trong 62 tân sinh viên có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn nhận học bổng “Tiếp sức đến trường” của báo Tuổi Trẻ trao tại Hà Nội.
6g kém mỗi ngày, bà Tâm lại cùng con đến trường. Chiếc xe lăn được bà đưa ra khoảng sân trước phòng trọ. Trong khi Hải chuẩn bị sách vở thì bà Tâm cố nhớ xem có quên vật dụng gì không, từ áo khoác đến chiếc mũ hay chai dầu bà gói ghém trong một chiếc bọc để khi con cần dùng là có ngay.
|
Thu nhập duy nhất có được là từ ba sào ruộng nơi quê nhà do chồng đang trồng lúa nhưng không thấm vào đâu với nhu cầu chi tiêu của gia đình, nên buổi sáng mẹ con thường nhịn ăn để tiết kiệm. Có chăng gói xôi hay ổ bánh mì bà mua để lót dạ cho Hải. Ngày nắng, hai mẹ con nhễ nhại mồ hôi trên quãng đường dài gần 4km từ nhà đến trường nhưng vẫn còn đỡ vất vả, chứ ngày mưa con đường khó đi gấp bội phần.
Trên con đường bốn năm in dấu hai mẹ con cũng ghi dấu không ít chuyện tình người nơi phố thị. Đó không chỉ là bữa sáng của những người bán hàng rong dành cho hai mẹ con, đó còn là khi những người xa lạ dúi ít tiền vào tay bà Tâm bảo “của ít lòng nhiều”.
“Hôm đó, tôi đang đẩy xe đưa con đến gần cổng trường, ông chạy tới hỏi han vài câu rồi dúi vào tay mấy chục ngàn bảo mời hai mẹ con bữa trưa. Tôi từ chối nhưng ông tỏ ra cương quyết: “Nhiều thì tôi không có nhưng tấm lòng thành ít ỏi này xin bà đừng từ chối”. Tôi cầm mà rớt nước mắt vì chẳng bà con thân thích nhưng sao ấm lòng quá” - bà Tâm nhớ lại một lần nhận được sự giúp đỡ từ người lạ.
...Ước mơ của con
Chuẩn bị bước vào tuổi 60, sức khỏe của người mẹ già đã có phần giảm sút, bước chân bà nặng nề hơn và những cơn đau nhức cũng ập đến khi trái gió trở trời. Nhưng bà vẫn kiên trì: “Hai vợ chồng già còn nán lại đời bởi muốn thấy con mình lớn khôn, hạnh phúc. Chúng tôi biết không thể nào có tương lai nếu không học đến cùng. Có cái chữ, có kiến thức mới mong có được công việc ổn định”.
Ở quê, người chồng cấy cày với mấy sào ruộng thường xuyên mất mùa không đủ lo cho gia đình nên cũng chạy đôn chạy đáo làm mướn. Còn về phần mình, sau khi lo cho con vào giảng đường, bà lại tất tả chạy tìm việc làm thuê để có thu nhập trang trải cuộc sống. Người dân gần đó hay gọi bà giúp nấu bữa cơm, khi lau nhà rửa chén để bà có thêm thu nhập. Hôm không có việc bà ngồi co ro nơi góc trường, và cũng có hôm bà chấp nhận làm việc bưng bê, phụ hồ nặng nhọc.
Những vòng xe vẫn lăn đều đặn mặc nắng mưa. Và Hải luôn trân quý những vòng xe ấy: “Mẹ đã dành cả cuộc đời cho tôi nên tôi mong muốn sau khi ra trường có việc ngay để đỡ đần thêm cho gia đình và cũng để mẹ yên tâm an hưởng tuổi già”.
Theo Tuổi Trẻ
Bình luận (0)