Khó đưa SGK mới vào giảng dạy từ 2018

26/10/2016 10:22 GMT+7

Đến thời điểm này, theo tìm hiểu của Thanh Niên thì chương trình - sách giáo khoa mới gần như sẽ không thể thực hiện được bắt đầu từ năm học 2018 - 2019.

Xây dựng lại dự thảo chương trình tổng thể
Tháng 11.2014, Quốc hội khóa 13 đã thông qua Nghị quyết đổi mới chương trình - sách giáo khoa (SGK). Theo đó, từ năm 2018 - 2019, ngành giáo dục sẽ bắt đầu áp dụng chương trình - SGK mới vào dạy học theo hình thức cuốn chiếu ở cả 3 bậc học. Tuy nhiên, đến thời điểm này, chương trình phổ thông tổng thể vẫn chưa được phê duyệt, dự thảo chương trình được công bố vào tháng 8.2015, nhưng sau một năm dự thảo vẫn chưa được ban hành chính thức sau rất nhiều ý kiến bàn luận, góp ý của các chuyên gia và dư luận xã hội. Thay vì chỉnh sửa thì dự kiến dự thảo này có thể sẽ phải biên soạn lại.
Một thành viên trong Ban thường trực đề án đổi mới chương trình giáo dục phổ thông (Bộ GD-ĐT) cho hay theo quyết định của Quốc hội, năm học 2018 - 2019, sẽ phải có SGK mới lớp 1, lớp 6, lớp 10. Với thời hạn như thế, lẽ ra, năm 2016, chương trình phải xong. Các bước như vậy đã bắt đầu chậm. Với nỗ lực trong năm 2016 phải xong chương trình thì mới có thể kịp. Với 3 lớp đầu cấp như thế, phải tập trung đội ngũ tác giả, chuẩn bị thật tốt mới kịp được.
Theo tìm hiểu của Thanh Niên, việc chuyển giao lãnh đạo Bộ GD-ĐT đã ảnh hưởng lớn tới tiến độ của quá trình ban hành chương trình. “Tổng chỉ huy” việc xây dựng dự thảo chương trình giáo dục phổ thông tổng thể để công bố vào tháng 8.2015 là ông Phạm Vũ Luận và cho đến thời điểm giữa tháng 4.2016 khi ông Luận chính thức bàn giao vai trò Bộ trưởng Bộ GD-ĐT cho ông Phùng Xuân Nhạ thì dự thảo chương trình giáo dục phổ thông tổng thể vẫn chỉ là... dự thảo.

tin liên quan

Lãng phí sách giáo khoa
Việc sách bài tập (đi kèm sách giáo khoa) được in ấn khá công phu nhưng chỉ sử dụng được một lần, vì học sinh viết trực tiếp vào, gây lãng phí không nhỏ. Tuy nhiên, các trường ở thành thị yêu cầu học sinh nào cũng phải có.
Bộ trưởng Nhạ đảm nhiệm vai trò người đứng đầu ngành GD-ĐT trong thời điểm kỳ thi THPT quốc gia cận kề, việc tập trung để chỉ đạo cải tiến, thực hiện kỳ thi này kéo dài từ khi ông Nhạ nhậm chức cho đến tháng 8.2016.
Tại cuộc họp báo khai giảng năm học mới 2016 - 2017, khi được hỏi về tiến độ của việc biên soạn chương trình - SGK mới, ông Nhạ cho biết: “Đến thời điểm này thì đúng là tiến độ của việc biên soạn chương trình tổng thể đã bị chậm so với lộ trình. Thời điểm này chúng tôi chưa đặt vấn đề với Quốc hội để xin hoãn lại so với mốc 2018 nhưng quan điểm là chấp nhận chậm một chút để làm chắc chắn hơn”.
Trao đổi riêng với Thanh Niên, ông Nhạ cho biết bắt đầu từ tháng 9.2016, tập trung chỉ đạo việc xây dựng chương trình giáo dục phổ thông tổng thể. Ông Nhạ chia sẻ: “Cách tiếp cận của tôi trong việc xây dựng chương trình sẽ khác so với cách làm cũ. Xưa nay chúng ta lập trại viết chương trình, SGK, mời tập trung một nhóm chuyên gia. Tôi sẽ tiếp cận theo cách khác, tôi nhìn vào đội ngũ trong ngành GD-ĐT trên dưới triệu người, rất nhiều người giỏi. Quan trọng là mình hình thành được một bộ khung và sau đó sẽ tuyển chọn công khai chuyên gia biên soạn chương trình. Đội ngũ này không chỉ có người nghiên cứu mà phải có người trực tiếp giảng dạy và phải có luồng gió mới, hỗ trợ tối đa để tìm được người giỏi thực sự vừa có tầm nhìn bao quát, vừa có thực tiễn. Chúng ta đưa được đầu bài ra, công khai, minh bạch trong tuyển chọn thì người giỏi sẽ xuất hiện, tôi sẽ không nhìn vào hồ sơ để xem họ có phải là giáo sư, tiến sĩ không mà quan trọng là phải nhìn được tư tưởng, cách làm của họ có đáp ứng yêu cầu đổi mới hay không. Ngay từ đầu chương trình tổng thể mà không chuẩn thì sẽ dẫn tới loạn SGK”.
Ông Nhạ nhấn mạnh: “Năm 2017 sẽ tập trung, đẩy mạnh để làm chương trình tổng thể, khi có chương trình tổng thể thực sự tốt rồi thì việc biên soạn SGK sẽ nhanh thôi”.
Viết SGK thời điểm này cũng bằng… thừa ?!
Theo tìm hiểu của PV Thanh Niên, ngoài nhóm Cánh Buồm do nhà giáo Phạm Toàn đứng đầu công khai biên soạn SGK thì Nhà xuất bản (NXB) Giáo dục VN cũng đang chuẩn bị để biên soạn những bộ SGK khác nhau: sách của mô hình trường học mới (VNEN), sách của nhóm tác giả do Sở GD-ĐT TP.HCM chủ trì, sách của nhóm tác giả phía bắc.
Đầu năm 2016, khi “rò rỉ” thông tin trong kế hoạch thì năm nay NXB này sẽ chuẩn bị để biên soạn 2 bộ SGK miền Bắc và miền Nam, lãnh đạo NXB Giáo dục đã có văn bản gửi báo chí để đính chính: “Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về đổi mới chương trình giáo dục phổ thông, trong đó thống nhất chủ trương một chương trình, nhiều bộ SGK. Các NXB, các tổ chức, cá nhân đều có quyền tham gia viết. Đón đầu xu hướng này, NXB Giáo dục chuẩn bị điều kiện về nhân lực, tài lực để có thể biên soạn được những bộ SGK trong điều kiện xã hội hóa. Chỉ khi chương trình giáo dục phổ thông tổng thể và chương trình chi tiết các môn học được thông qua thì NXB mới tiến hành biên soạn các bộ SGK phù hợp với chương trình”. Tuy nhiên, một số tác giả cho Thanh Niên biết: “NXB đang viết SGK”.

tin liên quan

Phụ huynh đến trường phản đối chương trình VNEN
Bà Ngô Thị Nguyệt, Phó trưởng phòng GD-ĐT TP.Vinh (Nghệ An), cho biết đã chỉ đạo Trường tiểu học Nguyễn Trãi (P.Quán Bàu) lấy ý kiến phụ huynh để quyết định có tiếp tục dạy học theo chương trình mô hình trường học mới (VNEN) hay không.
Trước câu hỏi của PV Thanh Niên về việc đã có một số nhóm tác giả rục rịch viết SGK dựa theo dự thảo chương trình tổng thể cũ, ông Phùng Xuân Nhạ khẳng định: “Phải bắt đầu từ việc xây dựng chương trình tổng thể, sau đó đến chương trình bộ môn rồi mới biên soạn. Chương trình tổng thể chưa có thì viết SGK cũng thừa. Mọi việc phải làm đúng theo quy trình như vậy. Khâu viết SGK ngoài việc khuyến khích sự tham gia của nhiều nhóm tác giả để có nhiều cuốn hoặc nhiều bộ SGK thì có thể sẽ cho phép nhập khẩu SGK của nước ngoài đối với một số môn khoa học tự nhiên, sách tiếng Anh và điều chỉnh cho phù hợp với chương trình, điều kiện giáo dục của VN chứ không nhất thiết phải biên soạn mới toàn bộ”.
Không khuyến khích các sở GD-ĐT tổ chức viết SGK
Về việc các sở GD-ĐT tổ chức viết SGK, ông Nhạ nêu quan điểm: “Cá nhân tôi không khuyến khích các sở viết, việc này nên để các NXB. Nếu sở GD-ĐT đứng ra viết rồi ép giáo viên của mình trực tiếp hay gián tiếp dùng SGK đó thì từng bộ sách sẽ bị địa phương hóa”.
Trong khi đó, một cán bộ Sở GD-ĐT TP.HCM, nơi đang lên kế hoạch thực hiện bộ SGK, cho biết ban đầu Bộ đẩy mạnh thay SGK thì dự kiến năm 2018 sẽ có sách mới. Tuy nhiên, khi ông Phùng Xuân Nhạ lên làm Bộ trưởng thì chỉ chú trọng vào việc đào tạo giáo viên mà chưa quan tâm nhiều đến việc đổi mới chương trình. Như vậy, theo Sở dự đoán thì thời gian triển khai bộ SGK mới sẽ chậm lại 1 - 2 năm (tức là 2019 - 2020).
Tuyết Mai - Lam Ngọc
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.