Ngay thời điểm hiện tại là xăng dầu. Theo tính toán giữa giá nhập và giá bán, các doanh nghiệp (DN) đã lời hơn 1.000 đồng/lít xăng nhưng chiều qua, giá xăng dầu cũng chỉ giảm với mức nhỏ giọt khoảng 400 đồng/lít. Cái điệp khúc tăng nhanh, giảm chậm; tăng nhiều giảm ít kéo dài năm này sang năm khác đã khiến người tiêu dùng mệt mỏi và ngán ngẩm.
Cũng khó và thậm chí không thể giảm là giá vàng trong nước. Giá thế giới lao dốc liên tục, quy đổi lúc này, vàng thế giới chỉ còn khoảng 34,5 triệu đồng/lượng. Nhưng cơ hội mua vàng giá rẻ nhất trong 3 năm qua không đến với người dân VN bởi giá vàng trong nước vẫn ở “trên trời”, từ 40 - 41 triệu đồng/lượng, cao hơn giá thế giới tới gần 7 triệu đồng/lượng.
Tương tự là giá vốn vay của các DN tại các tổ chức tín dụng. Mấy năm trước lãi vay cao thì đổ cho lạm phát cao. Từ cơ quan quản lý cho đến lãnh đạo các ngân hàng đều khẳng định, chỉ có lạm phát giảm, lãi suất mới giảm được. Nhưng lạm phát từ năm trước đến năm nay đã được giảm mạnh, lãi đầu vào cũng giảm theo CPI nhưng lãi vay vẫn không thể hạ. Vẫn cao nhất khu vực và vẫn tiếp tục bào mòn sức khỏe DN, bất chấp hệ quả của nó.
Theo quy định thì cứ 3 tháng, giá điện sẽ được điều chỉnh một lần. "Điều chỉnh" được lãnh đạo Bộ Công thương giải thích là có thể tăng hoặc giảm, tùy thị trường. Nhưng thực tế nhiều năm nay, giá điện chỉ "điều chỉnh" theo chiều duy nhất, đó là tăng chứ không hề giảm.
Rồi sữa, mỗi năm tăng giá vài lần dù đây là mặt hàng được nhà nước quản lý giá. Lý do tăng giá thì trời ơi, nào là đổi bao bì, mẫu mã, đổi tên sản phẩm... Hay đường, dù ế ẩm tồn kho nhưng giá bán lẻ vẫn cao... Đó là chưa kể hàng loạt các vụ tăng giá cục bộ, tăng giá tát nước theo mưa, tăng giá do hiệu ứng tâm lý mà cơ quan quản lý buông lỏng và bất lực.
Cái sự "khó giảm" của hàng loạt các sản phẩm, dịch vụ như nói trên khiến người dân, DN trong nước đang phải chịu rất nhiều nghịch lý buồn. Đó là thu nhập thấp nhưng phải sử dụng hàng hóa, dịch vụ với giá đắt đỏ; phải chấp nhận tình trạng bán giá nào, mua giá đó bởi sự độc quyền của nhiều mặt hàng thiết yếu như xăng, điện, nước... Hệ quả là chúng ta cứ loay hoay mãi với bài toán "sức mua yếu, tồn kho cao" mà không có lời giải. Đây cũng là lẽ tất yếu. Bởi muốn tháo tồn kho thì phải giảm giá thành, nhưng giá đầu vào chỉ tăng thì làm sao giá sản phẩm, hàng hóa có thể giảm mạnh như mong muốn? Muốn kích thích sức mua thì phải tăng thu nhập cho người dân, nhưng chi phí không giảm thì người dân lấy đâu ra tiền để mua sắm? Đây là biểu hiện của cơ chế thị trường nửa vời. Một cơ chế mà trong đó có lẽ chỉ có một thứ mỗi ngày một giảm, đó là lòng tin của người tiêu dùng.
Nguyên Hằng
Bình luận (0)