Nguyên nhân gây cận thị, cong vẹo cột sống
Số cơ sở không đạt yêu cầu về vị trí xây dựng, diện tích trường, diện tích cây xanh |
25-75%
|
Số phòng học không đạt yêu cầu về chiếu sáng |
70%
|
Bảng học không đạt yêu cầu về kích thước |
100%
|
Học sinh ngồi bàn ghế không phù hợp kích thước |
92%
|
(Trích kết quả cuộc điều tra do Viện Y học lao động và vệ sinh môi trường tiến hành tại Hải Phòng, Thái Nguyên và TP.HCM)
Tại hội thảo xây dựng kế hoạch quốc gia phòng chống bệnh học đường vừa tổ chức tuần trước ở Hà Nội, Bộ Y tế trích dẫn kết quả điều tra (xem bảng trên) cho biết đây là những nguyên nhân làm căng thẳng thị giác dẫn đến cận thị, cong vẹo cột sống ở học sinh.
Bên cạnh đó thời gian học tập kéo dài, ít hoạt động thể lực, vui chơi, quá tải điều tiết mắt dẫn đến những bệnh lý khó phục hồi về thể lực và tâm sinh lý - thần kinh của học sinh.
Theo ông Nguyễn Đức Minh (Viện Khoa học giáo dục VN), một trong những nguyên nhân gây tật khúc xạ ở học sinh là môi trường học tập chưa hợp vệ sinh: phòng học thiếu ánh sáng, bàn ghế chưa đúng kích cỡ và đặc biệt là thời gian học tập trong ngày quá dài, cả ở trường và ở nhà.
Ông Nguyễn Đăng Nhỡn, Viện Răng hàm mặt quốc gia, cho biết mỗi trẻ em 6-8 tuổi ở VN có sáu răng sữa bị sâu. Đây cũng là lứa tuổi hình thành thói quen, nếu được giáo dục nha khoa các em sẽ có thói quen chăm sóc răng miệng, tránh được thói quen có hại như ăn quà vặt, mút tay... “Thực hiện được các hoạt động chăm sóc răng miệng ở trường tiểu học sẽ tạo điều kiện giữ gìn răng vĩnh viễn. Tuy nhiên ở VN mới có tám tỉnh phủ kín được chương trình nha học đường” - ông Nhỡn cho biết.
Theo dự thảo chương trình mục tiêu quốc gia vừa được Bộ Y tế xây dựng, tổng ngân sách trong năm năm 2010-2015 để giải quyết ba bệnh học đường chính nói trên là 500 tỉ đồng. Theo ông Trần Đắc Phu, khoản ngân sách này sẽ dành để giảm tỉ lệ mắc mới và phát hiện học sinh đã mắc bệnh để can thiệp...
Tuy nhiên, ông Phu thừa nhận việc xây mới phòng học là không thể, nên việc thực hiện các bài tập thể dục và thay đổi tư thế ngồi học của học sinh là rất cần thiết.
Báo cáo của các trung tâm y tế dự phòng địa phương năm 2008 cho thấy trong gần 20.000 trường thuộc các cấp học, chỉ 28,5% có cán bộ y tế tại trường. Theo một quan chức Bộ Y tế, kết quả khám sức khỏe định kỳ cho học sinh ít được các trường quan tâm và có biện pháp giải quyết khiến bệnh gia tăng nhanh.
Chương trình học kéo dài, căng thẳng chưa thay đổi, điều kiện ánh sáng và diện tích phòng học chưa thay đổi, số học sinh/lớp chưa thay đổi sẽ rất khó giảm bệnh học đường, kể cả khi có 500 tỉ đồng!
Theo Lan Anh / Tuổi Trẻ
Bình luận (0)