Nếu theo dõi kỹ xung quanh câu chuyện về biển số xe đẹp trong thời gian gần đây thấy rất nhiều điều khó hiểu.
Không ai lên tiếng thừa nhận có chuyện vận động để có biển số đẹp nhưng một thực tế không thể phủ nhận rằng, hầu hết (nếu không nói là tuyệt đại) các xe hơi xịn, xe máy đắt tiền đều đeo biển số đẹp, theo nghĩa là các biển số tứ quý, số tiến, biển số có tổng lớn…
Hai phiên đấu giá 13 biển số đẹp của Nghệ An, thu tới 2,3 tỉ đồng, xuất phát từ đề xuất của Giám đốc Công an tỉnh này hồi năm 2008 cho thấy, bản thân những người trong cuộc cũng thấy quy trình cấp biển số đẹp “có vấn đề” khi nó chỉ nằm trong tay vài người có quyền quyết định.
Tháng 11.2009, Thủ tướng Chính phủ đã có văn bản giao cho các bộ: Tài chính, Công an, Tư pháp nghiên cứu, ban hành cơ chế bán đấu giá quyền sử dụng biển số xe ô tô, xe mô tô, xe gắn máy. Dư luận khi đó thực sự rất đồng tình, vì rõ ràng, việc đấu giá các biển số đẹp vừa đáp ứng nhu cầu của một số người sử dụng có điều kiện, vừa đảm bảo công khai và quan trọng là nó xóa bỏ những tiêu cực xung quanh việc cấp biển số.
Nhưng cơ chế này mãi không thể ban hành, cuối năm 2010, các cơ quan chức năng xin hoãn vì cần thêm thời gian khi mà kho biển 4 số đã ngừng cấp, biển 5 số làm thay đổi quan niệm về số đẹp. Gần đây nhất, Bộ Tài chính chính thức xin dừng không tiếp tục nghiên cứu cơ chế đấu giá vì các cơ quan soạn thảo không thống nhất được rằng, biển số có được sau khi đấu giá có coi là tài sản cá nhân và người sở hữu nó có được giữ lại, cho, bán hay không?
Thực ra, xử lý vấn đề mà Bộ Tài chính nại ra rất đơn giản. Bởi vì, về nguyên tắc, mỗi biển số được cấp gắn với một chiếc xe nhất định, biển số có được do đấu giá cũng chỉ gắn với một phương tiện, khi anh bán xe cho người khác thì người khác có quyền sử dụng biển số đó. Do vậy, trong hướng dẫn về đấu giá biển số đẹp (nếu có) chỉ cần khẳng định, người trúng đấu giá chỉ có quyền sử dụng biển số đó là xong. Nhưng không hiểu sao các cơ quan chức năng lại không làm.
Và giờ đây, nếu thông tin họ đang khởi động lại quá trình nghiên cứu xử lý đối với biển số đẹp, nhưng sẽ là “bán” chứ không phải “đấu giá” là chính xác thì câu chuyện lại càng trở nên khó hiểu hơn nữa. Nó chứng tỏ việc chậm ban hành cơ chế đấu giá biển số đẹp nằm ở đâu đó chứ không phải ở tính pháp lý của vấn đề.
Theo Từ điển Bách khoa toàn thư, đấu giá là hình thức bán những hàng hóa hoặc tài sản thường thuộc loại đắt tiền, hàng quý hiếm. Người bán đặt mức giá chuẩn, những người mua trả giá, hàng hóa được bán cho người mua trả giá cao nhất. Về phương diện kinh tế, một cuộc đấu giá là phương pháp xác định giá trị của món hàng chưa biết giá hoặc giá trị thường thay đổi.
Như vậy, “đấu giá” khác “bán” thông thường ở sự công khai của quá trình định giá. Nếu thực sự cơ quan quản lý muốn quá trình cấp biển số đẹp công khai, dẹp bỏ tiêu cực thì không có lý do gì từ chối đấu giá. Trừ khi người ta chỉ muốn làm cho có, quyền định giá và lựa chọn người mua vẫn chỉ nằm trong tay một vài người. Người tiêu dùng vẫn phải trả một số tiền đáng kể nhưng thay vì số tiền đó được sử dụng vào những việc có ích chung cho cộng đồng thì nó lại chui vào túi của một vài cá nhân.
An Nguyên
Bình luận (0)