Kho hỏa tiễn của Hamas có gì?

17/05/2021 13:30 GMT+7

Xung đột dữ dội nhất trong nhiều năm qua bùng nổ giữa Israel và Hamas gây ra quan ngại chiến sự sẽ còn kéo dài và ác liệt hơn nữa. Câu hỏi đặt ra là Israel có thể phải đối mặt với những gì trong kho tên lửa của phía Hamas và Palestine?

Các nhóm nổi dậy Palestine từng nhận hỏa tiễn và nhiên liệu trực tiếp từ Iran hoặc các đồng minh nước ngoài khác - được vận chuyển bí mật bằng đường biển hoặc qua biên giới giữa Ai Cập-Gaza. Tuy nhiên, hiện tại, các nhóm tay súng này đã tự phát triển vũ khí riêng, dùng kinh nghiệm tích lũy qua nhiều năm sử dụng các hỏa tiễn của Iran và các nước khác.
Phần lớn số hỏa tiễn sử dụng trong xung đột mới đây đã xuất hiện từ Chiến dịch Vành đai Bảo vệ hồi năm 2014. Tuy nhiên, cũng có một số loại mới ra mắt vào năm 2019. Một số ít hỏa tiễn tầm ngắn khác đã được sử dụng từ năm 2001.
Trước Chiến dịch Vành đai Bảo vệ, Hamas có khoảng 11.000 hỏa tiễn ở Dải Gaza, phần lớn là vũ khí tầm ngắn, chỉ có một số là tầm trung và tầm xa. Kết thúc chiến dịch này, Hamas được cho là chỉ còn lại ⅓ số hỏa tiễn trên.
Hamas bắt đầu xây dựng lại kho vũ khí và năm 2020, Hamas đã sở hữu số hỏa tiễn lớn hơn nhiều so với con số năm 2014. Israel nhận định các cuộc tấn công của quân đội nước này trong năm 2020 đã giảm số hỏa tiễn mà Hamas sở hữu xuống còn vài chục ngàn.

Những vệt sáng được nhìn thấy khi hỏa tiễnđược phóng từ Dải Gaza về phía trung tâm Israel như được nhìn thấy từ Ashkelon (Israel)

Reuters

Dựa trên số mảnh vỡ của hỏa tiễn từng bắn đến Israel hoặc số vũ khí bị thu giữ khi đang trên đường đến Dải Gaza, cơ quan tình báo Israel ước tính Hamas sở hữu hàng chục loại hỏa tiễn có tầm bắn từ 100-160 km. Chúng có thể tấn công phần lớn Israel, đến tận Haifa và xa hơn nữa về phía nam.
Những loại hỏa tiễn này gồm R-160, M-302D và M302-B. Ngoài ra còn có số ít hỏa tiễn Buraq-100 với tầm tấn công hơn 100 km.
Hamas cũng sở hữu hàng trăm hỏa tiễn với tầm bắn 70-80 km, có thể tấn công 3 mục tiêu quan trọng: Tel Aviv và các thành phố lân cận, sân bay Ben-Gurion và Jerusalem, bao gồm J-80, M-75, Fajr-5 và M-75 thế hệ thứ hai.

Hỏa tiễn M-75 của lực lượng Hamas có tầm bắn có thể tấn công 3 mục tiêu quan trọng của Israel gồm Tel Aviv và các thành phố lân cận, sân bay Ben-Gurion và Jerusalem.

Các hỏa tiễn Buraq-70 cũng có tầm tấn công tương tự. Tiếp theo là các hỏa tiễn Fajr-3 và Sejjil-55 với khả năng tấn công nhiều thành phố lớn ở bờ biển và trung tâm, gồm Rishon Lezion, Rehovot và Beit Shemesh.
Dưới tầm bắn này, Hamas cũng sở hữu nhiều hỏa tiễn khác.
Cơ quan tình báo Israel nhận định phần lớn kho hỏa tiễn của Hamas - khoảng 5.000 đến 6.000 đơn vị - có thể bắn xa 40-55 km để tấn công vào các cộng đồng dọc Dải Gaza. Ở khoảng 40 km, các phiên bản hỏa tiễn Grad khác nhau có thể bắn đến Beersheba và phía nam Ashdod. Các hỏa tiễn Badr-3 cũng có tầm bắn tương tự.

Hỏa tiễn Badr-3 có tầm bắn khoảng 40 km.

Ở cự ly khoảng 10 km, các phiên bản khác nhau của hỏa tiễn Qassam có thể bắn tới Ashkelon và toàn bộ hành lang Gaza.
Hamas cũng có hàng nghìn khẩu súng cối có thể bắn tới các ngôi làng của Israel giáp với Gaza.
Sự chênh lệch trong kho vũ khí của Hamas - phần lớn là tầm ngắn, chỉ một số nhỏ là vũ khí tầm xa - có thể lý giải việc phần lớn các đợt pháo kích của Hamas vẫn có xu hướng tập trung vào Ashdod, Ashkelon và dải Gaza.
Chỉ một lượng nhỏ tên lửa của nhóm tay súng Palestine này mới có thể bắn đến những vùng xa hơn của Israel, bao gồm Jerusalem và Tel Aviv, từ năm 2014 cho đến xung đột hiện tại.

Hỏa tiễn Ayyash mới của Hamas được cho là có tầm bắn lên đến 250 km.

Chụp màn hình clip

Tuy nhiên, hôm 13.5 xuất hiện một thông tin đáng lưu ý về một loại hỏa tiễn mới của Hamas, có tầm bắn đến 250 km. Hỏa tiễn này có tên gọi Ayyash đã được bắn vào sân bay Ramon tại thành phố Eilat, miền nam Israel. Tuy không gây thiệt hại đáng kể, nhưng vụ phóng này đã khiến phía Israel bất ngờ về năng lực vũ khí của Hamas.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.