Khó huy động vốn trên sàn chứng khoán

19/01/2015 08:19 GMT+7

Kết thúc năm 2014 với giao dịch sôi nổi, thị trường chứng khoán có chỉ số VN-Index đạt mức 545,6 điểm, tăng 40 điểm so với đầu năm, nhưng các doanh nghiệp hầu như vẫn chưa tìm được vốn trên sàn.

Kết thúc năm 2014 với giao dịch sôi nổi, thị trường chứng khoán có chỉ số VN-Index đạt mức 545,6 điểm, tăng 40 điểm so với đầu năm, nhưng các doanh nghiệp hầu như vẫn chưa tìm được vốn trên sàn.

Trong khi đó, thị trường chứng khoán (TTCK) được coi là một kênh huy động vốn quan trọng của nền kinh tế.
Khó huy động vốn trên sàn chứng khoánThị trường chứng khoán phải là kênh huy động vốn cho doanh nghiệp - Ảnh: D.Đ.M
Vẫn dựa vào ngân hàng
Theo số liệu từ Ủy ban Chứng khoán nhà nước (SSC), năm 2014, tổng giá trị huy động vốn ước đạt 237.000 tỉ đồng, tăng 6% so với cùng kỳ năm 2013. Trong đó, phát hành cổ phiếu và cổ phần hóa là 23.000 tỉ đồng và gần 214.000 tỉ đồng từ trái phiếu. Số liệu thống kê không nói rõ số vốn từ trái phiếu bao nhiêu là trái phiếu chính phủ, bao nhiêu là trái phiếu doanh nghiệp (DN). Tuy nhiên, theo trưởng phòng phân tích chuyên về trái phiếu của một công ty chứng khoán, con số trên thuộc về trái phiếu chính phủ, do tổng kết năm 2014 chỉ riêng trái phiếu kho bạc và tín phiếu kho bạc đã phát hành 241.000 tỉ đồng.

Tỷ suất giá trị sinh lời thấp nhưng độ biến động rất cao, thể hiện dòng tiền đầu cơ trên thị trường rất lớn. Trong bối cảnh như vậy, các DN khó thể phát hành cổ phiếu để tìm vốn làm ăn

TS Lê Đạt Chí - Trưởng bộ môn đầu tư - tài chính, Trường ĐH Kinh tế TP.HCM
Như vậy, trong năm qua, TTCK chỉ huy động được 23.000 tỉ đồng cho DN. Một con số khiêm tốn nếu so với kênh dẫn vốn ngân hàng. Chỉ riêng Vietcombank, từ tháng 1 - 9.2014, đã huy động hơn 55.000 tỉ đồng, cao hơn gấp đôi số vốn mà các DN huy động qua sàn chứng khoán. Đó là chưa kể, trong 23.000 tỉ đồng trên, không phải tất cả đều là tiền mặt, mà có thể là phát hành cổ phiếu để chia tách hay để trả cổ tức cho cổ đông.
Trước đó, TTCK sụt giảm, kém hấp dẫn là nguyên nhân dẫn tới cánh cửa huy động vốn quan trọng đối với các DN khép lại. Tuy nhiên, năm 2014, có nhiều thời điểm chứng khoán khá sôi động, thậm chí đã có lúc VN Index “nóng” đến 600 điểm với khoảng 1,37 triệu tài khoản nhà đầu tư, tăng 6% so với cuối năm 2013 nhưng DN vẫn hết sức khó khăn tìm vốn từ đây.
Lý do, theo TS Lê Đạt Chí, Trưởng bộ môn đầu tư - tài chính (Trường ĐH Kinh tế TP.HCM), trong năm qua việc tăng giá cổ phiếu không bền vững do sự tăng trưởng này chủ yếu từ dòng tiền đầu cơ, hơn là tăng về giá trị. Chính điều này đã lấy đi cơ hội huy động vốn của nhiều DN. Nhìn lại, giá hầu hết các cổ phiếu kết thúc năm đều quay về sát với giá đầu năm 2014. “Tỷ suất giá trị sinh lời thấp nhưng độ biến động rất cao, thể hiện dòng tiền đầu cơ trên thị trường rất lớn. Trong bối cảnh như vậy, các DN khó có thể phát hành cổ phiếu để tìm vốn làm ăn”, ông Chí nói.
Huy động vốn từ chứng khoán khó, các DN chỉ còn cách quay lại kênh huy động vốn truyền thống là ngân hàng nhưng trong bối cảnh hiện nay, vay mượn từ các nhà băng không hề đơn giản. Đó là lý do, vốn vào sản xuất chưa được như mong muốn và kế hoạch.
“Hích” chứng khoán,
khơi thông vốn
Theo Vụ Dự báo, thống kê (Ngân hàng Nhà nước) công bố, tăng trưởng tín dụng đã cán đích từ ngày 22.12.2014, tăng 12,62% trong khi huy động vốn tăng hơn 16% bất chấp lãi suất huy động đã giảm mạnh.
Theo báo cáo này, nhu cầu vay vốn có xu hướng phục hồi rõ nét kể từ quý 4/2014 và sẽ tiếp tục tăng cao trong quý 1/2015 và cả năm 2015. Bình quân toàn hệ thống kỳ vọng, dư nợ tín dụng tăng khoảng 3,5% trong quý 1 và tăng 14,57% tính đến cuối năm 2015. Như vậy, dù khó khăn, nhưng nhu cầu vay mượn để sản xuất, kinh doanh của DN vẫn tăng. Để đáp ứng nhu cầu vốn cho nền kinh tế, Chính phủ đã yêu cầu Ngân hàng Nhà nước nghiên cứu thực hiện các giải pháp huy động nguồn lực vàng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội khi các điều kiện thị trường thuận lợi.
Theo các chuyên gia, sự phát triển của TTCK được xem như động lực thúc đẩy tăng trưởng của cả hệ thống tài chính. Nền kinh tế cần vốn, và các cơ quan quản lý cần phải tạo một cú hích mạnh hơn để TTCK là nơi huy động vốn đầu tư cho nền kinh tế theo đúng chức năng cơ bản. Đó là chưa kể, theo kế hoạch của Chính phủ, trong năm 2014 - 2015 sẽ cổ phần hóa 432 DN nhà nước. Vì vậy nếu không có giải pháp đúng và đủ mạnh, không chỉ khó hoàn thành kế hoạch cổ phần hóa của Chính phủ mà các DN cũng hạn chế, khó khăn huy động vốn.
H.S
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.