Theo ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký VASEP: Năm 2022, lần đầu tiên xuất khẩu thủy sản Việt Nam đạt mốc lịch sử 11 tỉ USD. Tuy nhiên, từ 2 tháng đến cuối năm 2022 khó khăn đã bắt đầu xuất hiện kéo dài đến thời điểm hiện tại.
"Dự kiến, ngành thủy sản chỉ có thể phục hồi xuất khẩu vào những tháng quý 3/2023. Mặt hàng có khả năng phục hồi sớm nhất là xuất khẩu cá tra do giá cả phù hợp với người tiêu dùng. Ước tính xuất khẩu thủy sản năm 2023 cố gắng duy trì mức xấp xỉ 9 tỉ USD, trong đó xuất khẩu tôm đạt 3,5 tỉ USD, xuất khẩu cá tra đạt 1,9 tỉ USD và xuất khẩu hải sản đạt 3,6 tỉ USD", ông Hòe dự báo.
Trong 5 tháng đầu năm nay, xuất khẩu tất cả các mặt hàng chủ lực đều giảm từ 13 - 34% so với cùng kỳ năm 2022. Mặt hàng chủ lực là tôm giảm mạnh nhất, các thị trường chính đều giảm từ 28 - 50%. Trong đó, Mỹ và EU là 2 thị trường giảm sâu nhất: lần lượt 44% và 49%. Giá tôm chân trắng xuất khẩu sang Mỹ từ đầu năm tới nay giảm hơn 7% so với cùng kỳ năm ngoái. Dù giá giảm nhưng tại thị trường Mỹ và EU, tôm Việt Nam khó cạnh tranh được với tôm Ecuador và Ấn Độ, vì giá vẫn cao hơn 1,5 - 2 USD/kg.
Xét về thị trường, Mỹ sụt giảm mạnh nhất tới 50%, đã tụt xuống vị trí thứ 3 sau Nhật Bản và Trung Quốc. Xuất khẩu sang Mỹ trong 5 tháng đầu năm chỉ đạt 548 triệu USD, trong đó các mặt hàng chủ lực đều giảm mạnh: tôm giảm 44%, cá tra giảm 62%, cá ngừ giảm 56%.
Xuất khẩu sang Nhật Bản giảm 9% và Hàn Quốc giảm 20% ít hơn so với những thị trường khác, bởi áp lực cạnh tranh tại hai thị trường này không lớn như Mỹ, EU, Trung Quốc. Tại Nhật Bản và Hàn Quốc, tôm Việt Nam vẫn là lựa chọn số 1, các nước Ecuador và Ấn Độ chưa thể cạnh tranh. Ngoài ra, những thị trường này cũng là đối tác cung cấp nguyên liệu cho các doanh nghiệp Việt Nam gia công, chế biến xuất khẩu qua đó tăng thêm nguồn thu ngoại tệ và duy trì ổn định việc làm cho công nhân các nhà máy.
Phát biểu tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến, nhấn mạnh: Các doanh nghiệp và VASEP cần thường xuyên đánh giá diễn biến thị trường, tăng cường sự hợp tác, đoàn kết giữa các doanh nghiệp trong việc tiếp cận, duy trì và mở rộng, đa dạng hóa thị trường, tuân thủ các quy định của Việt Nam và thị trường nhập khẩu. Bên cạnh đó, cần thông báo kịp thời tới bộ, ngành liên quan về các vướng mắc trong quá trình xuất khẩu để có biện pháp xử lý kịp thời cũng như tiếp tục chủ động đề xuất sửa đổi, hoàn thiện các chính sách để tạo điều kiện tối đa cho hoạt động sản xuất, xuất khẩu nhưng vẫn đảm bảo yêu cầu quản lý và tăng trưởng bền vững.
Bình luận (0)