Bờ biển Tây dài hơn 200 km của Kiên Giang (từ TX.Hà Tiên đến giáp Cà Mau) đang đối mặt với sạt lở vì giải pháp trồng cây chắn sóng và phát triển rừng phòng hộ chưa đạt hiệu quả cao.
|
Phục hồi rừng chậm
Hiện nay, trên toàn tuyến bờ biển và đê biển Tây tại Kiên Giang đang có nhiều đoạn bị xói lở lấn sâu hàng trăm mét vào chân đê làm mất đất rừng, đất nuôi trồng thủy sản của người dân mà nguyên nhân chính là do triều cường, sóng to, gió lớn kết hợp nước biển dâng cao. Một số cửa biển, cửa sông không còn rừng phòng hộ che chắn khiến tình trạng sạt lở càng thêm nghiêm trọng. Trong khi đó, giải pháp bảo vệ bờ biển, đê biển được tỉnh Kiên Giang thực hiện trong 5 năm qua vẫn chưa mang lại kết quả khả quan. Ông Hoàng Văn Tuấn, Phó giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Kiên Giang, cho biết: “Việc trồng rừng phòng hộ ven biển rất khó khăn do điều kiện địa lý, địa hình ven biển phức tạp và thiếu kinh phí. Một số khu vực có bãi bồi nhưng nền đất chủ yếu là cát đen, thiếu chất dinh dưỡng, không có bùn để rễ cây bám; một số nơi nền đất nông rất khó cho việc trồng rừng”.
Theo ông Tuấn, đó chính là những yếu tố bất lợi khiến diện tích rừng ngập mặn ven biển được phục hồi và phát triển chưa đến 300 ha, với các loài cây chủ yếu như: đước, mắm, bần, cóc đỏ, dừa nước… Mặc dù diện tích rừng khôi phục chưa nhiều nhưng nơi nào rừng trồng phát triển ổn định thì giảm được tình trạng xói lở. Ngoài trồng rừng, tỉnh còn đầu tư xây dựng hệ thống cống ngăn mặn tại các cửa biển, gia cố chân đê và bồi trúc, nâng cấp những đoạn đê có nguy cơ bị sạt lở. Đặc biệt, việc thực hiện thí điểm mô hình gây bồi ở H.Hòn Đất do dự án GIZ hỗ trợ bước đầu đem lại hiệu quả khả quan. Mô hình này sử dụng cây tràm, mê bồ làm hàng rào chắn sóng nhằm lắng tụ bùn tạo bãi bồi ổn định để trồng rừng phòng hộ chắn sóng bảo vệ bờ và đê biển.
|
Cần nhiều giải pháp đồng bộ
Thực tế tại Kiên Giang cho thấy những đoạn bờ biển được bồi lắng dài hơn 1 km tính từ chân đê, ít bị sạt lở nhờ trồng cây, xây dựng bờ bao gia cố đê, giúp rừng phòng hộ phục hồi, phát triển trở lại. Ngoài ra, tỉnh đã giao khoán cho 2.056 hộ dân, với tổng diện tích rừng và đất lâm nghiệp hơn 6.500 ha để nhằm khôi phục, phát triển và bảo vệ rừng phòng hộ ven biển. Các hộ dân nhận khoán rừng đã đầu tư phát triển nuôi trồng thủy sản như: tôm, cua, sò, cá… Việc làm này vừa tạo sinh kế cho cư dân, giảm thiểu nạn phá rừng vừa khôi phục, phát triển và bảo vệ rừng phòng hộ ven biển. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của nạn sạt lở đã làm mất nhiều diện tích nuôi trồng thủy sản của các hộ dân nhận khoán, dẫn đến sản xuất chưa thật sự hiệu quả, nuôi trồng thủy sản manh mún, nhỏ lẻ, giá trị kinh tế thấp.
Theo ông Hoàng Văn Tuấn, để khôi phục, phát triển rừng phòng hộ ven biển đạt kết quả, bảo vệ bờ biển, đê biển không bị sạt lở cần có những giải pháp đồng bộ mang tính khả thi cao, như quy định chế tài về thu hồi rừng nhận khoán và thu hồi đất những hộ dân được giao khoán không chấp hành tốt công tác khôi phục, quản lý bảo vệ rừng. Giao khoán đất rừng cho hộ dân có tiềm lực tài chính, tâm huyết với nghề rừng gắn với hỗ trợ vốn và những điều kiện cần thiết khác để sống với nghề rừng, trồng rừng lấn biển. Nghiên cứu tăng định suất đầu tư cho rừng phòng hộ ven biển, vì với mức 15 triệu đồng/ha như hiện nay không đủ đầu tư cho 1 năm trồng và 4 năm chăm sóc rừng. Có chế độ đãi ngộ cho cán bộ, viên chức các ban quản lý rừng và người dân tham gia giữ rừng để giúp họ yên tâm gắn bó với rừng. Bên cạnh đó, cần tạo điều kiện thuận lợi cho hộ dân nhận khoán đất rừng vay vốn ưu đãi đầu tư phát triển sản xuất.
Minh Khoa
>> Chủ tịch nước khảo sát đê biển ở Cà Mau, Bạc Liêu
>> Cần gia cố nhanh đê biển Tây
>> Sống bấp bênh trên đê biển
>> Trà Vinh: Gần 80 tỉ đồng trồng rừng phòng hộ
>> Chú trọng bảo vệ rừng phòng hộ
Bình luận (0)