Theo Th.S Trần Văn Tuấn - nghiên cứu viên Trung tâm năng lượng và máy nông nghiệp (ĐH Nông lâm TP.HCM): Nguồn sinh khối từ phế phẩm gỗ (mùn cưa), nông sản (rơm rạ), phân gia súc, rác... tại nước ta rất lớn, (riêng trấu mỗi năm có khoảng 3,5 triệu tấn từ hàng ngàn nhà máy xay lúa ở ĐBSCL) lại chưa được sử dụng hiệu quả, dẫn đến việc lãng phí nhiên liệu, gây ô nhiễm môi trường.
Tại hội thảo “Công nghệ khí hóa và ứng dụng” do Trung tâm Nghiên cứu và phát triển về năng lượng tiết kiệm (ENERREAM) vừa tổ chức, các chuyên gia cho biết các tỉnh ĐBSCL có hàng ngàn lò gạch gốm, hơn 80% vẫn nung đốt trực tiếp truyền thống. Nếu ứng dụng công nghệ khí hóa vào sản xuất thì sẽ tiết kiệm nhiên liệu, hiệu quả năng lượng cao hơn; cải thiện chất lượng sản phẩm, môi trường. Ngoài ra, công nghệ khí hóa còn có thể ứng dụng trong việc sấy nông sản (lâu nay người dân thường dùng điện, gas, sấy cao su, lúa, trái cây...).
|
Ông Ngô Doãn Luật - Giám đốc Công ty TNHH MTV Tân Mai (Đồng Tháp), công ty đã ứng dụng công nghệ khí hóa vào sản xuất gạch gốm - cho biết: “Áp dụng công nghệ khí hóa (nhập từ Ấn Độ) chất đốt trấu đã giảm tiêu hao nhiên liệu theo thiết kế là 62%, trên thực tế vẫn còn trong giai đoạn mới mẻ nên tiết kiệm được 50% nhiên liệu; tiết kiệm được từ 30 - 60 đồng/viên gạch 4 lỗ, từ 450 - 480 đồng/viên giảm xuống còn khoảng 400 - 420 đồng/viên. Ngoài ra, do lò nung ứng dụng công nghệ khí hóa nên lượng nhiệt đồng đều giúp gạch gốm chín đều, màu sắc đẹp, rất ít hao hụt thành phẩm nên càng hạ giá thành, tăng tính cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường”.
Theo kết quả khảo sát từ các cơ quan chuyên môn tại Đồng Tháp, khi ứng dụng công nghệ khí hóa, các chỉ tiêu môi trường của Công ty Tân Mai đều thấp hơn nhiều so với tiêu chuẩn cho phép, cải thiện đáng kể nạn ô nhiễm môi trường. Cụ thể, chỉ tiêu bụi cho phép là 300 μg/m3 nhưng kết quả thực tế chỉ 200 μg/m3; chỉ tiêu CO cho phép là 30.000 μg/m3 nhưng thực tế chỉ là 3.400 μg/m3... Đặc biệt, một chỉ tiêu rất quan trọng là HF cho phép là 20 μg/m3 nhưng thực tế chỉ 11,60 μg/m3.
Tuy vậy, các chuyên gia cũng bày tỏ lo ngại vì vốn đầu tư ban đầu khi ứng dụng công nghệ này quá cao. Ông Ngô Đức Hiệp - Chủ tịch HĐQT kiêm TGĐ Công ty CP Năng lượng tái tạo VN - phân tích: “Mức đầu tư từ vài trăm triệu đến gần 2 tỉ đồng cho một lò gạch gốm, lò sấy nông sản là quá cao. Làm sao các hộ sản xuất nhỏ có thể bỏ ra vốn đầu tư ban đầu lớn như vậy được, dù ai cũng thấy hiệu quả của công nghệ này”.
Trên thực tế, tổng mức đầu tư hệ thống khí hóa tại Công ty Tân Mai lên đến 1,7-1,8 tỉ đồng là số vốn quá lớn, trong khi đặc điểm chung của ngành tiểu thủ công nghiệp sử dụng chất đốt sinh khối là hộ gia đình, doanh nghiệp nhỏ ít vốn. ENERREAM phối hợp với một đơn vị đến từ Mỹ giới thiệu bộ khí hóa chi phí thấp dùng trong sản xuất gạch ở ĐBSCL, với giá thành khoảng 100 triệu đồng/mô đun. Theo ông Ngô Đức Hiệp, mức giá này vẫn còn rất cao, bởi quy mô lò gạch không thể chỉ sử dụng một mô đun, nên chi phí đầu tư ít ra cũng 500 - 600 triệu đồng, thậm chí còn cao hơn nữa là quá khó cho các doanh nghiệp nhỏ. Như vậy có thể thấy, việc ứng dụng công nghệ khí hóa "tắc" lớn nhất vẫn là ở vấn đề vốn.
Hoàng Việt - Thúy Liễu
Bình luận (0)