Khó là không làm?

18/05/2019 05:00 GMT+7

Năm 2014, ngay khi tập đầu tiên của bộ phim sitcom Căn hộ số 69 gắn mác 18+ với nhiều hình ảnh “nóng” và nội dung nhạy cảm được phát trên kênh YouTube đã gây ra dư luận trái chiều.

Chỉ đến khi báo chí lên tiếng, cơ quan quản lý mới vào cuộc.
Nhà sản xuất phim sau đó bị phạt 10 triệu đồng vì “phát hành phim chưa được phép phổ biến tại nơi công cộng”, tập phim cũng không còn hiện diện trên YouTube. Đó có lẽ là trường hợp đầu tiên “đánh động” cơ quan quản lý trong việc quản lý nội dung các sản phẩm văn hóa trên mạng.
Tuy nhiên, sau 5 năm, khi nhiều loại hình sản xuất nội dung trên mạng đang bùng nổ như web drama (phim chiếu mạng) hay parody (chủ yếu là MV, phim ngắn phóng tác, chế lại từ bài hát, phim gốc)…, có vẻ như các cơ quan quản lý vẫn chưa hết lúng túng.
Trong khoảng 2 năm, hàng loạt web drama về đề tài giang hồ, xã hội đen xuất hiện trên mạng tạo nên cả “vũ trụ giang hồ” (như cách nói của cộng đồng mạng). Nhiều web drama chứa những hình ảnh bạo lực, phản cảm. Web drama, clip hài, parody…trở thành nơi để khoe thân, hay những câu chuyện dung tục, nhảm nhí. Những ca khúc, MV có nội dung, hình ảnh thô tục, thậm chí khiêu dâm vẫn xuất hiện nhan nhản.
Không thể bỏ qua vai trò, trách nhiệm của người dùng hay khán giả, bởi họ có thể quyết định sự tồn tại với những sản phẩm có tính tiêu cực trên mạng bằng cách “report” (báo cáo). Nhưng không thể không nói đến trách nhiệm của cơ quan quản lý. Vừa qua, Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử (Bộ Thông tin - Truyền thông) đã đề nghị YouTube xóa bỏ kênh của “giang hồ sống ảo” Khá Bảnh. Điều đó cho thấy cơ quan quản lý có thể can thiệp, kiểm soát nội dung trên mạng. Nhưng đó mới chỉ là cách giải quyết “khóa đuôi” và chưa phải là biện pháp lâu dài.
Có ý kiến cho rằng, cơ quan quản lý có thể đưa ra biện pháp để quảng cáo không xuất hiện trong những sản phẩm có nội dung tiêu cực trên mạng, cũng như ràng buộc trách nhiệm với những đơn vị đại diện cho YouTube hay Facebook tại VN.
Điều đáng nói là phải quy định rõ trách nhiệm của các cơ quan quản lý. Hiện nay, nhiều nơi vẫn đứng ngoài, tỏ ra không liên quan, chứ chưa nói đến có sự phối hợp đồng bộ, chặt chẽ trong việc quản lý nội dung trên mạng. Một lãnh đạo của Bộ Thông tin - Truyền thông đã phải than rằng, không phải vấn đề gì trên mạng cũng “đổ” cho Bộ, mà phải có sự phối hợp, thẩm định của nhiều cơ quan liên quan.
Trong khi đó, rất khó nhìn thấy sự chủ động phối hợp của các cơ quan quản lý, mà chỉ chờ cho đến khi dư luận lên tiếng.
Phát triển các sản phẩm, nội dung trên mạng không chỉ đem lại lợi nhuận lớn cho ngành giải trí, mà còn là cánh cửa mở cho nhiều tài năng phát triển. Việc làm sao để giữ môi trường tự do cho sáng tạo, đồng thời kiểm soát mặt trái của thế giới mạng là việc không dễ cho các cơ quan quản lý. Nhưng không phải khó là không làm, khó là không gỡ!
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.