Khó lường hoạt động của Nga ở Ukraine

Khánh An
Khánh An
01/04/2022 06:17 GMT+7

Nga tuyên bố tiếp tục phá hủy nhiều mục tiêu ở Ukraine, trong khi phương Tây cho rằng lực lượng Nga chịu tổn thất nặng nề và thiếu tiếp tế.

Giao tranh tiếp diễn

Theo Sputnik ngày 31.3 dẫn lời phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Nga Igor Konashenkov, lực lượng Nga dùng tên lửa hành trình chính xác cao phá hủy các kho nhiên liệu lớn tại 4 thành phố Dnepr, Lysychansk, Chuguev và Novomoskovsk của Ukraine. Bên cạnh đó, quân đội Nga còn bắn hạ 18 UAV tại 13 khu vực ở Ukraine. Phía Nga cũng nói đã không kích 52 mục tiêu của Lực lượng vũ trang Ukraine, trong đó có hệ thống phòng không S-300.

Lực lượng ủng hộ Nga gần thành phố Mariupol ngày 30.3

Reuters

Giới tình báo Anh cho hay Nga phóng tên lửa và nã pháo vào thành phố Chernihiv của Ukraine, dù trước đó tỏ ý giảm hoạt động quân sự tại khu vực này. Song song đó, lực lượng Nga tiếp tục giữ những vị trí phía đông và tây Kyiv, dù đã rút một ít đơn vị. Bộ Quốc phòng Anh còn dự báo sẽ xảy ra giao tranh dữ dội tại vùng ngoại ô Kyiv trong vài ngày tới. Phía Anh cho rằng một số đơn vị quân đội Nga chịu tổn thất nặng đã rút về nước hoặc đến Belarus để được tiếp tế, theo tờ USA Today. Trong khi đó, một quan chức địa phương hôm qua cho hay vùng Kharkiv ở đông bắc Ukraine hứng đạn pháo dữ dội trong vòng 24 giờ trước đó.

Anh nói Nga chuyển quân mới đến Ukraine, Tổng thống Zelensky 'lột lon' 2 tướng

Về phía Ukraine, Tổng thống Volodymyr Zelensky nghi ngờ cam kết giảm hoạt động quân sự của Nga, đồng thời tuyên bố rằng quân đội Ukraine sẵn sàng tiếp tục chiến đấu ở mặt trận phía đông. “Tôi không tin bất kỳ ai”, ông Zelensky nhấn mạnh trong một bài phát biểu qua video, khẳng định quân Nga đang tái tập hợp lực lượng để tấn công vùng Donbass ở miền đông Ukraine, theo AFP. Dựa vào thông tin tình báo của Mỹ, giám đốc truyền thông Nhà Trắng Kate Bedingfield cho rằng Tổng thống Putin đã không nhận được báo cáo đầy đủ về chiến dịch quân sự ở Ukraine. Liên quan nỗ lực sơ tán, một hành lang nhân đạo được mở lại vào hôm qua từ Mariupol đến thành phố Zaporizhzhia, nơi có khoảng 170.000 dân thường đang mắc kẹt. Nga chưa bình luận gì về những thông tin tình báo Anh, Mỹ đưa ra.

Nỗ lực đàm phán

Trong khi đó, Đài RT dẫn lời giới chức Mỹ và Đức cho hay Đức sẵn sàng có hình thức đảm bảo an ninh cho Ukraine, trong khi chính phủ Washington vẫn “liên tục thảo luận” với Kyiv. Đối thoại trước đó tại Thổ Nhĩ Kỳ vào ngày 29.3 mang lại tín hiệu về khả năng Nga và phương Tây có thể cam kết bảo vệ Ukraine nếu nước này đồng ý phi quân sự hóa. Phái đoàn Ukraine cho hay vòng đàm phán tiếp theo với Nga sẽ diễn ra trực tuyến vào ngày 1.4.

Xem nhanh: Ngày thứ 36 chiến dịch quân sự Nga ở Ukraine có diễn biến gì quanh Kyiv?

Theo Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov và người đồng cấp Ukraine Dmytro Kuleba có thể gặp nhau tại Thổ Nhĩ Kỳ để đối thoại trong vòng 2 tuần tới và 2 bên nên đồng ý ngừng bắn lâu dài. Bộ Ngoại giao Nga sau đó cho biết sẽ không từ chối nhưng đối thoại cần mang tính thực chất.

Nam Ossetia muốn sáp nhập vào Nga

Ông Anatoly Bibilov, lãnh đạo vùng ly khai Nam Ossetia tại Georgia vừa công bố ý định sáp nhập vào Nga. Hôm 30.3, ông Bibilov thông báo sẽ lấy ý kiến người dân và thực hiện các hành động pháp lý nhằm trở thành lãnh thổ của “đất mẹ Nga” trong tương lai gần, theo TASS. Người phát ngôn Dina Gassiyeva của ông Bibilov sau đó cho hay toàn bộ thủ tục pháp lý liên quan việc sáp nhập vào Nga sẽ hoàn tất sau cuộc bầu cử lãnh đạo ngày 10.4.

Nam Ossetia tuyên bố tách khỏi Georgia sau khi Liên Xô tan rã vào đầu thập niên 90 của thế kỷ trước. Năm 2008, sau cuộc chiến ngắn ngày với Georgia, Nga công nhận Nam Ossetia và Abkhazia là cộng hòa độc lập và duy trì lực lượng gìn giữ hòa bình tại đây bất chấp sự phản đối của Georgia và phương Tây. Trước khi có tuyên bố của ông Bibilov, Nam Ossetia cũng đã điều binh sĩ sang Ukraine để hỗ trợ Nga, theo AFP.

Vi Trân

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.