Khó mà dễ

19/02/2014 03:00 GMT+7

Quyết tâm cổ phần hóa gần 450 doanh nghiệp nhà nước trong vòng 2 năm của Chính phủ đang tạo ra những kỳ vọng cho nền kinh tế. Thế nhưng, muốn biến kỳ vọng thành động lực để kinh tế bứt ra khỏi tình trạng trì trệ hiện nay, cổ phần hóa phải được tiến hành thực sự để "lột xác" khối doanh nghiệp này.

Quyết tâm cổ phần hóa gần 450 doanh nghiệp nhà nước trong vòng 2 năm của Chính phủ đang tạo ra những kỳ vọng cho nền kinh tế. Thế nhưng, muốn biến kỳ vọng thành động lực để kinh tế bứt ra khỏi tình trạng trì trệ hiện nay, cổ phần hóa phải được tiến hành thực sự để "lột xác" khối doanh nghiệp này.

Hai tồn tại lớn nhất trong việc cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước (DNNN) hiện nay là cố tình trì hoãn, không chịu cổ phần hóa và cổ phần hóa nhưng nhà nước vẫn giữ cổ phần chi phối, hay còn gọi là cổ phần hóa nửa vời. Ở lý do đầu tiên, nguyên nhân mà tất cả các DN đưa ra là do thị trường chứng khoán đi xuống, bán rẻ cổ phần sẽ khiến thất thoát vốn nhà nước. Tuy nhiên, bản chất thật sự là rất ít lãnh đạo DNNN "mặn mà" với điều này do cổ phần hóa đồng nghĩa với việc họ sẽ mất chức, phải "nhường ghế" cho người khác. Thế là "trách nhiệm không bán rẻ vốn nhà nước" trở thành một cái cớ để họ tiếp tục trì hoãn. Ở lý do thứ hai, cổ phần hóa nhưng nhà nước vẫn giữ cổ phần chi phối thì càng gây khó hơn. Bởi dù DN có hấp dẫn đến đâu, kinh doanh ngành nghề "ngon lành" đến bao nhiêu... thì nhà đầu tư cũng "xin chào" nếu bỏ tiền ra mua cổ phần mà không được tham gia điều hành hay quyết định.

Nói như thế để thấy nút thắt cho tiến trình cổ phần hóa DNNN phụ thuộc chủ yếu vào chính chúng ta. Nếu thực sự quyết tâm thì "cổ phần hóa không khó", như Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Đinh La Thăng khẳng định trong cuộc họp hôm qua bàn về cổ phần hóa các DN thuộc bộ này. Lãnh đạo một công ty thuộc Bộ GTVT đã bị cách chức vì không cổ phần hóa theo đúng kế hoạch. Nhờ quyết liệt như vậy, một trong những DN bị yêu cầu giải thể thuộc bộ này đã được "hồi sinh". Ngược lại, nếu vẫn còn những người sợ bị mất quyền lợi thì cổ phần hóa không hề đơn giản. Như vậy, cổ phần hóa khó hay dễ, phụ thuộc vào chính "người trong cuộc", những người đứng đầu các bộ, các DN. Mà quyết tâm cải cách DNNN thì chưa bao giờ lại lớn như hiện nay. Thậm chí, còn có đề xuất chấp thuận cho cả việc bán vốn nhà nước dưới mệnh giá. Trong hội nghị tổ chức hôm qua, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã yêu cầu các bộ trưởng, lãnh đạo các tỉnh, thành "mời" những người chần chừ cổ phần hóa sang làm việc khác. Vậy thì bộ nào còn chần chừ, DN nào còn kêu khó, lãnh đạo nào còn nêu lý do này, lý do kia để trì hoãn... hãy cứ truy cứu trách nhiệm cụ thể. Lãnh đạo bộ chịu trách nhiệm trước Chính phủ, DN chịu trách nhiệm trước bộ... cứ thế mà truy cứu. Làm được như vậy, chắc chắn việc cổ phần hóa sẽ chạy đúng tiến độ mà Chính phủ đặt ra.

Cổ phần hóa để DN hoạt động hiệu quả hơn; để phá bỏ thế độc quyền còn tồn tại ở một số lĩnh vực; để giảm áp lực nợ cho nền kinh tế, để ngân sách được bổ sung nguồn vốn lớn... Đó là động lực lớn nhất, hiệu quả nhất trong công cuộc tái cơ cấu kinh tế mà Chính phủ đã và đang nỗ lực thực hiện.

Nguyên Hằng

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.