Đó là phản ánh của nhiều doanh nghiệp Nhật tại Diễn đàn Kinh tế cao cấp Việt Nam - Nhật Bản diễn ra ngày hôm qua (5.9).
Theo đánh giá của Bộ Kế hoạch - Đầu tư, sau 40 năm kể từ ngày thiết lập quan hệ ngoại giao, Nhật Bản vẫn đang là nhà đầu tư lớn nhất tại Việt Nam. Cụ thể, quốc gia này đã rót khoảng 24 tỉ USD (tương đương 2.118 tỉ yen) vốn ODA, chiếm 30% tổng cam kết viện trợ của các nước cho Việt Nam.
Việt Nam phải thoát ra khỏi mô hình sản xuất có giá trị gia tăng thấp, chủ yếu gia công, chế xuất sang mô hình sản xuất ngay từ khâu đầu vào với giá trị tăng cao hơn |
||
Ông Motonobu Sato, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam |
||
Về đầu tư trực tiếp, tính đến tháng 6.2013, Nhật Bản có 1.990 dự án còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký hơn 32,6 tỉ USD. Nhật hiện là đối tác thương mại lớn thứ 3 của Việt Nam với tổng kim ngạch thương mại hai chiều năm 2012 đạt 24,7 tỉ USD.
Tuy nhiên, những yếu kém nội tại của Việt Nam từ môi trường đầu tư, thể chế chính sách đang trở thành rào cản hạn chế các doanh nghiệp (DN) Nhật Bản rót vốn mới. Ông Yasuaki Tanizaki, Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam, cho biết các DN Nhật Bản đang gặp phải một số vướng mắc tại Việt Nam như: cơ sở hạ tầng còn lạc hậu, nguồn điện cung cấp thiếu ổn định, thiếu nhân lực quản lý có chất lượng, đặc biệt môi trường đầu tư, thể chế chính sách chưa thông thoáng. “Lo ngại nhất là vấn đề cải cách thể chế, vì đây là vấn đề khó cần nhiều thời gian, nhưng nếu Việt Nam không có được sự đổi mới thì rất khó thu hút đầu tư của Nhật Bản một cách bền vững”, ông Tanizaki chia sẻ.
Môi trường đầu tư quá kém
Cũng có nhận xét tương tự, ông Motonobu Sato, Chủ tịch Hiệp hội DN Nhật Bản tại Việt Nam, bổ sung thêm DN Nhật đang gặp khó khăn khi xin giấy chứng nhận đầu tư, sự ưu đãi của Việt Nam. Hiện Việt Nam mới đi được nửa chặng đường tái cấu trúc, điều này thể hiện rõ khi giải pháp xử lý nợ xấu chưa đầy đủ, cải cách doanh nghiệp nhà nước chưa được triển khai nhanh chóng.
Cũng theo ông Sato, cộng đồng DN Nhật Bản sẵn sàng hỗ trợ Việt Nam, nhưng Việt Nam cần phải có được định hướng rõ ràng như sắp tới sẽ trở thành quốc gia như thế nào, phát triển mạnh về công nghiệp hay lĩnh vực khác. Việt Nam cần có nhận thức rõ về cải cách từ trên xuống dưới, cần đưa ra được lộ trình cải cách rõ ràng, với các mốc thời gian cam kết cụ thể hơn. “Việt Nam phải thoát ra khỏi mô hình sản xuất có giá trị gia tăng thấp, chủ yếu gia công, chế xuất sang mô hình sản xuất ngay từ khâu đầu vào với giá trị tăng cao hơn”, ông Sato khuyến nghị.
|
Tham dự diễn đàn, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch - Đầu tư Bùi Quang Vinh cũng thẳng thắn thừa nhận môi trường đầu tư của Việt Nam còn quá kém. Thời gian tới, việc cải thiện môi trường, cải cách về thể chế là mục tiêu quan trọng bậc nhất để nền kinh tế có sự thay đổi. Việt Nam cũng cam kết xây dựng hệ thống khung pháp luật chặt chẽ, khoa học tạo ra sức bật, chứ không phải bằng biện pháp hành chính. Ngoài ra, Việt Nam chú trọng đào tạo và phát triển nguồn nhân lực, đặc biệt xây dựng cơ sở hạ tầng đủ đảm bảo hấp dẫn, thu hút đầu tư.
Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), cho biết thời gian qua Nhật Bản đầu tư lớn vào Việt Nam, nhưng đáng tiếc các DN trong nước vẫn chủ yếu gia công, chế xuất. Vì vậy, nguyện vọng của các DN Việt Nam mong muốn Nhật Bản mở rộng đầu tư các trung tâm nghiên cứu phát triển, giúp đỡ DN Việt Nam tham gia vào chuỗi sản xuất, cung ứng toàn cầu của Nhật, như dây chuyền lắp ráp ô tô tại Việt Nam. “Hiện nay các tập đoàn lớn Samsung, LG của Hàn Quốc đầu tư vào Việt Nam xây dựng rất nhiều trung tâm nghiên cứu, chuyển giao công nghệ, hỗ trợ DN tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Chúng tôi rất mong muốn Nhật Bản cũng sẽ làm như vậy trong thời gian tới đây”, ông Lộc đề nghị.
Hàng loạt dự án tỉ USD chờ đầu tư Dẫn đánh giá của Diễn đàn Kinh tế thế giới, ông Lê Văn Tăng, Cục trưởng Cục Đấu thầu (Bộ KH-ĐT), cho biết hiện Việt Nam xếp hạng chất lượng cơ sở hạ tầng đứng thứ 90/142 quốc gia. Nhu cầu phát triển cơ sở hạ tầng hằng năm lên tới 40 tỉ USD, nhưng nguồn vốn khả dụng hiện tại hằng năm chỉ khoảng 8 tỉ USD. Nhằm giải quyết vấn đề thiếu hụt nguồn vốn đầu tư công cho phát triển, theo ông Tăng, Việt Nam đang kêu gọi các thành phần kinh tế tư nhân, nước ngoài đầu tư cơ sở hạ tầng, đặc biệt hình thức hợp tác công - tư (PPP) cho các lĩnh vực: đường bộ, đường sắt; cảng hàng không, cảng biển; điện, nước sạch... Hiện Việt Nam đang kêu gọi Nhật Bản và các quốc gia khác tham gia đầu tư các dự án lớn như: Dự án Xây dựng đường cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết 680 triệu USD; Đường cao tốc Hạ Long - Móng Cái 2,5 tỉ USD; Sân bay Vân Đồn (Quảng Ninh) 250 triệu USD; Đường cao tốc Ninh Bình - Nghi Sơn (Thanh Hóa) 1,2 tỉ USD; Đường sắt đô thị tuyến số 6 (từ trung tâm Hà Nội đến sân bay Nội Bài) 1,5 tỉ USD. |
Anh Vũ - Hương Giang
Bình luận (0)