Theo báo cáo của Bộ Nội vụ, mức lương tối thiểu đang áp dụng thấp nên thực tế khó thu hút được người tài vào làm ở khu vực hành chính nhà nước, chưa tạo ra động lực cho cán bộ, công chức tận tâm, gắn bó với công việc, ảnh hưởng đến việc cải cách hành chính và phòng chống tham nhũng...
Trong một cuộc hội thảo mới đây, TS Nguyễn Thiềng Đức, Phó chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty đầu tư tài chính nhà nước TP.HCM, cho rằng có một điều rất nghịch lý là dù rất nhiều công chức kêu ca lương thấp nhưng họ vẫn bám trụ một cách kiên trung. Hơn nữa vẫn có những thông tin cho rằng phải chạy vài chục triệu, thậm chí hàng trăm triệu đồng mới vào được cơ quan này, cơ quan nọ. Bên cạnh tình trạng dịch chuyển công việc hoặc ở lại làm việc với các bổng lộc, khá nhiều cán bộ công chức đến cơ quan chỉ để uống trà, bàn chuyện, làm theo kiểu “tiền nào của ấy”. Vì thế, tuy nói tiền lương của cán bộ, công chức là thấp so với nhu cầu thiết yếu của cuộc sống, nhưng không ít trường hợp lại sẽ không phải thấp so với hiệu quả lao động thực tế của họ.
Nhà nước trả lương không cao nhưng có một bộ phận không nhỏ công chức sống trên mức phong lưu của xã hội. Có thể những người như thế nhờ sẵn có tiềm lực tài chính từ trước, hoặc nhờ gia đình có thành viên giỏi làm ra tiền bạc... Nhưng theo PGS-TS Trần Văn Thiện, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển nguồn nhân lực (trường ĐH Kinh tế TP.HCM), cũng cần phải khẳng định rằng lương thấp không phải là nguyên nhân duy nhất nhưng nó nhất định là mảnh đất màu mỡ, tươi tốt nhất để gieo mầm và phát triển một cách bền vững nạn tham ô, tham nhũng, làm việc vô cảm và kém hiệu quả. Thang lương hiện nay chưa thể hiện rõ sự công bằng trong đãi ngộ lao động, ít khuyến khích tài năng, thường cứ “đến hẹn lại lên”, dựa trên cấp bậc chính quyền. Từng có nhiều nhận xét tổng kết chính nền hành chính cơ chế không minh bạch, công chức lương không đủ sống là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến nạn nhũng nhiễu, thường gọi là “làm khó để ló ra tiền”, “tham ô tập thể”…
Theo Bộ Nội vụ, tăng lương tối thiểu để hạn chế những hệ lụy tiêu cực phát sinh trong đội ngũ công chức là cần thiết, nhưng mỗi lần tăng đều phải phụ thuộc vào chỉ số giá tiêu dùng hằng năm, mặt bằng tiền công trên thị trường và khả năng của ngân sách nhà nước. Tổng quỹ lương cán bộ, công chức, viên chức chiếm khoảng 40% tổng thu ngân sách, nếu tăng lương khu vực này lên 2,5 lần, thì gần như toàn bộ ngân sách chỉ đủ để trả lương.
Vì thế, theo ý kiến của các nhà nghiên cứu về chính sách tiền lương, điều căn bản nhất là cần đẩy mạnh hơn nữa cải cách hành chính, quyết liệt tinh giản biên chế trên cơ sở định biên hợp lý, tinh gọn, hiệu quả hơn. Chỉ khi nào cán bộ công chức không còn phải chật vật, bận tâm nhiều đến tiền lương thì họ mới có thể tận tâm, nghĩ ra được nhiều sáng kiến và hết “làm khó” khi giải quyết các dịch vụ công liên quan đến người dân.
Đình Phú
Bình luận (0)