Khó phạt ô nhiễm tiếng ồn

30/11/2009 00:51 GMT+7

m thanh khuếch đại, hay còn gọi là ô nhiễm tiếng ồn như tiếng rao quảng cáo, tiếng còi xe cộ, tiếng nhạc tại các trung tâm thương mại, các cửa hàng điện máy ở Hà Nội... đang gây bức xúc cho người dân, trong khi cơ quan chức năng còn chưa mạnh tay xử phạt.

“Vào tối ngày mai, tối ngày mai. Các bạn hãy nhớ, tối ngày mai, tại Trung tâm triển lãm Nông nghiệp Việt Nam số 2 đường Hoàng Quốc Việt sẽ diễn ra chương trình liveshow ca nhạc cực kỳ hấp dẫn với sự tham gia của các ngôi sao ca nhạc hàng đầu trong nước như... Vào tối ngày mai...”, tiếng rao được phát ra từ cái loa cũ mèm, gắn chặt bằng mấy sợi dây chun lên nóc chiếc ô tô hiệu Matiz chạy chầm chậm đường Cầu Giấy, xuôi Xuân Thủy.

Cứ thế, âm thanh dồn dập kia khiến không ít chủ phương tiện lưu thông gần với chiếc Matiz phải điều khiển cho xe phóng vọt hẳn lên, hoặc đạp phanh để xe tụt lại một khoảng cách khá xa để sao không bị tra tấn bởi thứ âm thanh tới chói tai kia.

Một trong những thủ phạm gây tiếng ồn khác còn là các trung tâm thương mại, cửa hàng điện máy, quán bar, các câu lạc bộ... mọc lên như nấm. Phòng tập thể dục thẩm mỹ được đặt trong câu lạc bộ F and F (địa chỉ 493 Trương Định, P.Tân Mai, Q.Hoàng Mai) là một ví dụ.

Qua quan sát, phòng tập thẩm mỹ được bố trí rất gần (ngăn cách bằng một bức tường) với khu vực sinh sống của nhiều hộ dân trong ngõ 493 đường Trương Định. Theo phản ảnh của nhiều bà con trú tại tổ 5, ngõ 493, từ nhiều năm nay, chỉ trừ mấy ngày lễ Tết, còn lại ngày nắng cũng như ngày mưa, đều đặn từ khoảng 5 giờ 30 - 7 giờ 30 sáng, buổi chiều thì từ 14 giờ - 18 giờ 30, phòng thẩm mỹ liên tục mở nhạc rất lớn phục vụ học viên theo tập... khiến cuộc sống sinh hoạt thường nhật gặp rất nhiều khó khăn.

Như trường hợp của ông bà Nguyễn Quang Nghĩa ở kế bên, do không chịu được tiếng loa đài đập thình thịch gần chục giờ mỗi ngày mà phải xa con cháu, về quê ở dưới Ngũ Hiệp, Thanh Trì để sống. Còn anh Quang Thắng, một ''nạn nhân'' khác cho chúng tôi biết, thời gian gần đây, khi chuyển qua làm đêm, buổi ngày về anh chẳng thể có nổi một giấc ngủ ngon, liên tục bị tỉnh giấc, giật mình bởi tiếng nhạc mở quá to, cho dù đã đóng kín tới mấy lần cửa, gia cố thêm vật liệu cách âm.

Theo TCVN 5949 - 1998, giới hạn tối đa cho phép tiếng ồn khu vực dân cư, khách sạn, nhà nghỉ, cơ quan hành chính lần lượt là 60, 55, 50 dB;  và 75, 70, 50 dB đối với khu dân cư xen kẽ trong khu thương mại, dịch vụ, sản xuất, tương ứng trong quãng thời gian từ 6 - 18 giờ, 18 - 22 giờ, 22 - 6 giờ.

Còn tại điều 12 Nghị định số 81/2006/NĐ-CP (9.8.2006) của Chính phủ về xử phạt hành chính trong lĩnh vực môi trường thì mức xử phạt vi phạm về tiếng ồn cụ thể như sau: phạt tiền từ 200.000 đồng - 1 triệu đồng, từ 1 - 3 triệu đồng lần lượt với hành vi gây tiếng ồn vượt tiêu chuẩn môi trường cho phép dưới 1,5 lần và từ 1,5 lần trở lên trong khoảng thời gian từ 6 đến 22 giờ; phạt tiền từ 5 đến 7 triệu đồng, từ 8 đến 12 triệu đồng lần lượt với hành vi gây tiếng ồn vượt tiêu chuẩn môi trường cho phép dưới 1,5 lần và từ 1,5 lần trở lên trong khoảng thời gian từ 22 giờ đến trước 6 giờ sáng ngày hôm sau.

Trao đổi với Thanh Niên về vấn đề khuếch đại âm thanh gây tiếng ồn, Phó chánh Thanh tra Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hà Nội - ông Nguyễn Hồng Phúc, cho biết: mới đây nhất đoàn thanh tra của sở có tiến hành xử phạt 6 triệu đồng đối với đoàn Sao Việt. Nhưng đó mới chỉ là mức xử phạt đối với hành vi dùng loa phóng thanh hoặc các loại âm thanh khác để quảng cáo nơi công cộng mà không có giấy phép...

Còn để thực hiện được mức xử phạt vượt giới hạn tiếng ồn tối đa cho phép, thanh tra cần được trang bị đầy đủ các loại máy hiện đại đo tiếng ồn. Và quan trọng không kém là nguồn tin báo trong quần chúng để thanh tra có đủ thời gian mật phục. Nếu không khi xuất hiện, đột nhiên âm sẽ thanh tắt, như thế sẽ không có đủ chứng cứ xử phạt.

Minh Sang

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.