Lượng người quay lại các TP lớn sau kỳ nghỉ tết tăng cao, khiến tàu, xe không đáp ứng được dù giá vé tăng gấp đôi ngày thường.
Xe các loại xếp hàng qua phà Vàm Cống - Ảnh: Thanh Dũng |
Giá vé tăng cao
Theo ghi nhận của PV Thanh Niên, trong hai ngày 13 và 14.2, hàng ngàn người dân ở Nghệ An đã đổ về bến xe, nhà ga để di chuyển ra Hà Nội và vào các tỉnh phía nam; giá vé tàu, xe nhiều tuyến tăng từ 44 - 60%.
Tại Bến xe Vinh, lượng khách tăng khoảng 2.000 khách so với ngày thường. Tại ga Vinh, trong ngày 13.2 ước có khoảng 7.000 khách đi tàu, tăng khoảng 5 lần so với ngày thường. Theo thông tin từ Trạm vận tải đường sắt Vinh, từ ngày 13 - 15.2, vé tàu chính chiều đi Sài Gòn đã hết, vé tàu Vinh - Hà Nội chỉ còn ít vé đi vào buổi đêm. Trong khi đó, tại quầy bán vé tàu vẫn có khá đông hành khách xếp hàng chờ mua vé tàu đi trong những ngày tới. Trên các tuyến đường ra vào cửa ngõ TP.Vinh và dọc QL1A, từ sáng sớm đã có rất nhiều người mang theo hành lý chờ sẵn hai bên đường đón xe vào nam, ra bắc.
Do nhu cầu đi lại cao nên đây cũng là dịp các nhà xe “chặt chém” giá vé và nhồi nhét hành khách. Giá vé đón xe dọc đường từ Nghệ An đi Hà Nội từ 250.000 - 300.000 đồng/vé, đi TP.HCM từ 1,2 - 1,5 triệu đồng/vé, cao gấp đôi giá vé ngày thường. Tuy nhiên, hành khách đều chấp nhận giá vé cao ngất ngưởng để kịp ngày làm việc đầu tuần vào 15.2.
Ngày 14.2, ông Lê Anh Tú, Phó giám đốc Công ty CP Bến xe khách Bình Định, kiêm Trưởng bến xe khách trung tâm Quy Nhơn, cho biết trong ngày 14.2 lượng hành khách đổ về bến xe đi TP.HCM đã tăng khoảng 300% so với ngày thường.
Công nhân mòn mỏi đón xe đi làm
Ghi nhận của PV Thanh Niên trên QL1A qua địa bàn Thừa Thiên-Huế, ngày 14.2, có rất đông hành khách vật vạ để bắt xe vào nam. Tại bến xe phía nam TP.Huế, hầu hết các hãng xe giường nằm đều hết vé trong 2 - 3 ngày tới. Nhiều hành khách đón xe tại các điểm ngã ba đường tránh TP.Huế (P.Phú Bài, TX.Hương Thủy), ngã ba La Sơn (xã Lộc Sơn, H.Phú Lộc)... trên QL1 cho biết các nhà xe hét giá chặng Huế - TP.HCM lên tới 1 - 1,2 triệu đồng/người (cao gấp 1,5 lần tại bến).
Ở phía nam, chiều 14.2, tại Sóc Trăng có hàng trăm người, chủ yếu là công nhân vẫn không đón được xe để lên TP.HCM và các tỉnh miền Đông Nam bộ để kịp đi làm. Trong khi đó, Bến xe trung tâm Sóc Trăng không còn xe khách.
Dọc theo tuyến QL1A thuộc Sóc Trăng, vẫn còn rất đông hành khách, trong đó có cả trẻ em đang ngồi tránh nắng dưới tán cây, quán cà phê để chờ xe nhưng không có xe nào “chịu rước” vì đã đầy khách. Anh Trần Văn Khánh (ngụ P.9, TP.Sóc Trăng) cho biết anh đã đặt vé của một nhà xe ở TX.Vĩnh Châu (Sóc Trăng) nhưng từ trưa đến giờ không thấy xe đến đón. Gọi điện hỏi thì nhà xe cho biết năm nay họ không chạy đường này mà chạy đường Nam sông Hậu nên anh không có xe để đi. Anh Khánh đã ngồi ở ngã ba Trà Men (TP.Sóc Trăng) hàng chục giờ liền nhưng vẫn không đón được xe nào.
Một người chạy xe ôm ở Bến xe Trà Men cho biết: “Từ sáng đến trưa đã có tới mấy chục chuyến xe từ Sóc Trăng đi TP.HCM mà khách vẫn còn đón nhiều dọc đường, một số hành khách vì quá gấp nên chấp nhận đi xe với giá từ 500.000 - 600.000 đồng. Thấy họ bị “chặt” thật tội nghiệp”.
Từ ngày 13 - 14.2, lượng xe máy, ô tô các loại từ Kiên Giang, An Giang, TP.Cần Thơ kéo qua cụm phà Vàm Cống (nối H.Lấp Vò, Đồng Tháp - TP.Long Xuyên, An Giang) dẫn đến ùn ứ phía bờ TP.Long Xuyên. Nhiều xe phải đậu xếp hàng phơi nắng trên 1 giờ mới qua được phà. Lượng khách qua phà tăng đột biến do đông đảo lực lượng công nhân, sinh viên, du khách, khách hành hương... sau nghỉ tết đồng loạt đổ về TP.HCM và các tỉnh miền Đông làm việc. Theo ông Nguyễn Phúc Nguyên, Bến trưởng cụm phà Vàm Cống, cụm phà Vàm Cống đã huy động 9 phà (gồm 7 phà loại 200 tấn và 2 phà 100 tấn) chạy 24/24 ở bến chính và bến phụ để vận chuyển khách nhưng vẫn không chở xuể.
Nhiều trường hợp tai nạn giao thông có uống rượu, bia
Bác sĩ Phạm Gia Anh, Phó trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp, Bệnh viện (BV) Việt Đức (Hà Nội), cho biết trong 7 ngày nghỉ tết (từ 29 đến hết mùng 6), BV này tiếp nhận cấp cứu hơn 1.000 bệnh nhân, trung bình khoảng 160 - 170 bệnh nhân/ngày, cao hơn những ngày bình thường (150 bệnh nhân/ngày). Trong đó, 60% ca cấp cứu là do tai nạn giao thông (TNGT), khoảng 30% số ca TNGT không đội mũ bảo hiểm, nhiều ca có uống rượu bia.
Ngày 14.2, tin từ BV Chợ Rẫy (TP.HCM) cho biết trong 7 ngày nghỉ tết BV này tiếp nhận cấp cứu 1.831 ca, có 18 trường hợp tử vong. Trong đó, số nhập viện vì TNGT là 449 ca (có 325 ca bị chấn thương sọ não); 47 ca TNGT do say xỉn. Ngoài ra, có 4 trường hợp bị thương do pháo, 9 người bị bỏng nặng, 3 người nhập viện do đả thương trong lúc say rượu...
Còn theo báo cáo của Bộ Y tế, từ ngày 29 tết đến mùng 5 tết, cả nước ghi nhận 22.826 trường hợp khám, cấp cứu vì TNGT, trong đó có 2.608 trường hợp chấn thương sọ não. Số ca tử vong do TNGT kể cả tử vong trước khi đến BV và tiên lượng tử vong xin về là 104 trường hợp. Cũng trong 5 ngày nghỉ tết, cả nước ghi nhận 3.391 trường hợp nhập viện vì đánh nhau, trong đó có 10 ca tử vong. Đặc biệt, từ đêm giao thừa đến mùng 2 tết có đến 98 trường hợp nhập viện do pháo, tăng gấp đôi so với Tết Ất Mùi (2015), trong đó có 15 trường hợp nhập viện do sự cố pháo hoa xảy ra tại Quảng Ngãi.
Liên Châu - Lương Ngọc
|
Bình luận (0)