"Cơm, canh... với xà phòng"
Ông Nguyễn Trường An (42 tuổi, P.An Bình, TX.Dĩ An, Bình Dương) nói: "Tôi là dân gốc ở đây, từ ngày có công ty này ngày nào cũng phải hít mùi hôi muốn ngạt thở. Mưa đến thì cả một đoạn đường nổi đầy bong bóng xà phòng. Đào giếng xuống khoảng 18 m là ra nước xà phòng, tưới cây cũng không dám, huống chi sinh hoạt. Dân ở đây chẳng biết làm gì được, sống mà phập phồng lo cho sức khỏe của mình".
tin liên quan
Dân khóc ròng với con đường 'đau khổ' bậc nhất miền Đông nam bộNhiều năm nay, con đường này trở thành nỗi ám ảnh của người đi đường bởi sự xuất hiện hàng loạt ổ trâu, ổ voi thậm chí là... 'ổ khủng long'.
|
Ông Nguyễn Thế Phương (47 tuổi, số nhà 18/9A, Bình Đường 2, P.An Bình) cũng bức xúc: "Nhà tôi lúc nào cũng đóng kín nhưng không thể hết mùi hôi. Các con đều bị viêm mũi, nhiều lúc sáng ngủ dậy ngửi mùi mà muốn xỉu. Xe để trước sân qua một đêm thì sáng ra như phủ một lớp bụi xà phòng trắng, lối đi bên hè cũng phủ trắng bụi, đi rất dễ trượt. Có hôm đến bữa cơm, cứ như ăn cơm, canh với... xà phòng. Đó là chưa kể ban đêm, họ hoạt động ầm ầm. Có lần tôi quá phẫn nộ la hét trước công ty. Họ nói khắc phục và quận đã kiểm tra rồi nhưng bụi, mùi hôi vẫn như cũ". Còn anh Nguyễn Minh Trung (35 tuổi) thì cho biết: “Gia đình anh trai tôi phải mua nhà nơi khác cho mấy cháu sống vì sợ bệnh tật từ sự ô nhiễm này. Vợ tôi mới đây từ viêm mũi chuyển sang bị suyễn, nhưng tôi không có điều kiện chuyển đi, mà ở đây thì nguy hiểm quá”.
tin liên quan
Nguy hiểm vì gầm cầu thiếu sáng ở TP.HCMĐó là cảm nhận của nhiều người dân TP.HCM khi qua lại dưới những
gầm cầu trên đường Hoàng Sa, Trường Sa như gầm cầu Công Lý, cầu Kiệu,
cầu Điện Biên Phủ...
Sẽ lấy mẫu cho kiểm tra lại
Ngày 15.6, phóng viên đi thực tế, khi đến đoạn đường Kha Vạn Cân, P.Linh Trung, Q.Thủ Đức, mùi xà phòng xộc vào mũi rất khó chịu. Những người dân trên tuyến đường này cũng cho biết theo luồng gió, ngày nào họ cũng ngửi phải mùi hôi. Đi dọc theo tuyến đường Dương Đình Nghệ (thuộc địa phận TX.Dĩ An, Bình Dương) đến KP.Bình Đường 2, những khu vực người dân sống gần công ty, mùi xà phòng càng nồng nặc hơn.
Tại nhà ông Nguyễn Thế Phương, theo quan sát của phóng viên, lan can inox phía ngoài nhà đều phủ bụi trắng. Lấy nước đổ xuống nền nhà, dùng tay đánh là bọt xà phòng nổi lên.
Trao đổi với phóng viên, ông Lê Văn Chiến, Phó chủ tịch UBND Q.Thủ Đức, cho biết: "Chúng tôi đã nhận kiến nghị hỗ trợ giải quyết ô nhiễm môi trường từ UBND P.An Bình, đề cập tình trạng ảnh hưởng đến đời sống người dân khu vực xung quanh nhà máy của Công ty CP bột giặt Lix. Ngày 28.10.2016, quận đã chỉ đạo Phòng Tài nguyên - Môi trường phối hợp với tổ kiểm tra liên ngành lấy mẫu các thông số khí thải (bụi và các chất vô cơ). Căn cứ theo mẫu kết quả do Trung tâm phân tích Vinacontrol thì các chỉ tiêu phân tích đều nằm trong quy chuẩn. Do đó, UBND Q.Thủ Đức không có cơ sở xử phạt vi phạm hành chính đối với công ty”.
Ông Chiến cho biết thêm: “Tuy nhiên, để đảm bảo hạn chế phát sinh bụi và mùi trong quá trình hoạt động, quận yêu cầu công ty xử lý triệt để hơn bụi và mùi. Phía công ty cũng đã cam kết và báo cáo với quận là họ đã bố trí 5 hệ thống xử lý (lọc túi vải) bằng chất liệu vải siêu mịn Heppa, xử lý mùi bột giặt lan tỏa ra không khí, đồng thời lắp đặt hệ thống khử mùi bằng than hoạt tính. Nhưng trong thực tế vẫn còn ảnh hưởng đến cuộc sống người dân, chúng tôi sẽ tiếp tục cho đo lại khí thải, mời đơn vị khác lấy mẫu cho khách quan. Nếu cần thiết sẽ mời Sở Tài nguyên - Môi trường kiểm tra trong lần tới”.
Còn ông Bùi Công Thảm, Phó tổng giám đốc Công ty CP bột giặt Lix, trao đổi với phóng viên rằng: “Công ty đã có họp và thương thảo với dân. Sắp tới công ty sẽ tiếp tục khắc phục để người dân không còn bị ảnh hưởng”.
Trong khi chờ đợi chính quyền và công ty khắc phục, người dân vẫn phải tiếp tục sống chung với mùi hôi của xà phòng.
tin liên quan
Suất ăn rẻ tiền là nguyên nhân ngộ độc thực phẩm cho công nhânCục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) cho biết, suất ăn rẻ tiền, nguồn thực phẩm không đảm bảo, là những nguyên nhân chủ yếu gây ra các vụ ngộ độc thực phẩm cho công nhân.
Bình luận (0)