Khó tiếp cận sớm thuốc điều trị cúm A/H1N1

18/06/2013 08:18 GMT+7

Theo Viện Vệ sinh dịch tễ TƯ, số người mắc cúm A/H1N1 đang tăng mạnh nhưng chưa được phát hiện và tiếp cận thuốc điều trị sớm để giảm nguy cơ tử vong.

Theo Viện Vệ sinh dịch tễ TƯ, số người mắc cúm A/H1N1 đang tăng mạnh nhưng chưa được phát hiện và tiếp cận thuốc điều trị sớm để giảm nguy cơ tử vong.

Vi rút cúm A/H1N1 đại dịch hiện chiếm gần 50% trong tổng số các ca nhiễm cúm, trong khi cùng kỳ năm 2012, tỷ lệ này chỉ chiếm 5-7%.  Sự mạnh lên của vi rút này đã gây nên các ổ dịch, chùm ca bệnh và các ca tử vong tại Thanh Hóa, Phú Thọ, Yên Bái. Cúm A/H1N1 rất dễ lây từ người sang người và gây tử vong cao nhất trong số các bệnh gây dịch.

Để điều trị, thuốc kháng vi rút Tamiflu có hiệu quả tốt nhất trong vòng 72 giờ đầu, đặc biệt là trong vòng 48 giờ khi bệnh nhân có hội chứng cúm. Tuy nhiên, phần lớn ca bệnh nặng trước khi phát hiện thường được điều trị lòng vòng, do nhiều bệnh nhân tự điều trị bằng thuốc thông thường và không được chẩn đoán kịp thời. Nhưng ngay cả khi đến y tế tuyến xã, huyện thì thuốc kháng vi rút Tamiflu cũng không sẵn có, khiến bệnh nhân chậm tiếp cận thuốc điều trị.

Tháng 4-5 vừa qua, tại H.Bát Xát, Lào Cai đã xuất hiện ổ dịch cúm A/H1N1 với 5 người mắc, một ổ dịch khác xuất hiện tại Trường dân tộc nội trú Lào Cai với 46 người, trong đó có mẫu xét nghiệm cho kết quả A/H1N1. Khi xuất hiện 2 ổ dịch này, Lào Cai chỉ còn Tamiflu đã hết hạn sử dụng và được Bộ Y tế cấp bổ sung 500 viên, nhưng đến cuối tháng 5, tỉnh này chỉ còn 200 viên. Tại Lạng Sơn, nơi có nguy cơ xuất hiện cúm A/H5N1, cúm A/H7N9 rất cao do ở gần biên giới, Sở Y tế Lạng Sơn cũng kiến nghị Bộ Y tế cấp bổ sung thuốc điều trị cúm A.

Theo ông Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục quản lý khám chữa bệnh, kê đơn Tamiflu thường là từ cấp tỉnh, hoặc có thể tuyến huyện vì phải xác định được cúm gây bệnh nguy hiểm như A/H1N1, A/H5N1. Cúm thông thường có thể tự khỏi, không nhất thiết sử dụng thuốc này.

Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Bình, Cục trưởng Cục y tế dự phòng lưu ý, cần đến sớm cơ sở y tế khi sốt, ho, đặc biệt khi thấy đau ngực, khó thở để được theo dõi sức khỏe, sử dụng thuốc kịp thời. Vừa qua nhiều trường hợp nhiễm cúm đến cơ sở y tế đã qua 4-5 ngày kể từ khi phát hiện ho, sốt, khi bệnh đã nặng. Hầu hết các ca nhiễm cúm tử vong đều đến bệnh viện muộn và không kịp thời điều trị thuốc kháng vi rút.

Bác sĩ Hồng Hà, Phó giám đốc BV bệnh nhiệt đới TƯ cho biết: phải kê đơn chặt chẽ để chống sử dụng rộng rãi, gây kháng thuốc nhưng cũng cần đảm bảo cho bệnh nhân được tiếp cận sớm thuốc. “Nên xem xét để thuốc kháng vi rút cúm được sử dụng rộng rãi hơn, nhiều địa phương hiện đang thiếu thuốc khiến bệnh nhân khó tiếp cận thuốc sớm”, ông Hà Nói.

Liên Châu - Thúy Anh

>> Một trường hợp tử vong do dương tính cúm A H1N1
>> Một ca tử vong do cúm A/H1N1 tại Vĩnh Long
>> Lo ngại cúm A/H1N1 quay trở lại
>> Phát hiện ổ cúm A/H1N1 tại Sở Tư pháp Tiền Giang

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.