Chương trình chính khóa đã quá tải, học sinh phổ thông hiện nay còn bị áp lực bởi rất nhiều cuộc thi phong trào “dội” xuống nhà trường khiến quỹ thời gian dành cho vui chơi vốn rất eo hẹp ngày càng teo tóp dần.
Mới đây, Sở GD-ĐT Hà Nội có văn bản đôn đốc học sinh (HS) tham gia các cuộc thi trên internet về an toàn giao thông do Bộ GD-ĐT tổ chức. Sở dĩ có văn bản này là do Hà Nội bị Bộ “nhắc nhở” vì qua 2 tháng triển khai, rất ít HS các trường ở TP.Hà Nội tham gia. Sở GD-ĐT lập tức có văn bản yêu cầu các trường THCS và THPT cần hướng dẫn, đôn đốc HS tích cực tham gia cuộc thi nói trên…
Giáo viên một trường THCS sau khi đọc thông tin này đã không giấu nổi sự ngao ngán khi mà quá nhiều cuộc thi phong trào dồn xuống các trường. Giáo viên này chia sẻ: "Các cuộc thi do cấp trên ép xuống mà không triển khai cho HS lớp mình thì giáo viên và cả lớp đó bị phê bình, trừ thi đua… mà cuộc thi nào cũng bắt HS tham gia thì tội cho các em quá!".
Hiện ở các trường phổ thông có rất nhiều cuộc thi và rất nhiều phong trào. Có thể kể đến các cuộc thi như: học sinh giỏi cuối cấp, giải toán qua mạng, tiếng Anh qua mạng, giải toán bằng tiếng Anh, hùng biện bằng tiếng Anh, hùng biện tiếng Việt, tìm hiểu lịch sử quê em, tìm hiểu về các danh nhân tại địa phương, viết thư UPU, kể chuyện sách, vẽ tranh về đề tài bảo vệ môi trường, vẽ mô hình chiếc ô tô mơ ước… Đó là chưa kể những cuộc thi do nhà trường tự “sáng tác” ứng với mỗi dịp kỷ niệm hoặc ngày lễ lớn. HS nếu tham gia vào các đội tuyển hầu hết phải đi kín các ngày trong tuần.
Một phụ huynh có con học tiểu học trên địa bàn Q.Hai Bà Trưng cho biết: “Có tuần dồn dập tin nhắn của giáo viên chủ nhiệm yêu cầu con phải tham gia, phải nộp các bài thi phong trào. Có hôm tin nhắn của cô vào cuối ngày mà yêu cầu sáng hôm sau các con phải nộp cùng lúc 2 bài thi. Thế là cả nhà phải vào cuộc, bố mẹ bò ra làm bài thi cho con chép lại”.
Tiến sĩ Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội Tâm lý - Giáo dục TP.Hà Nội, đồng thời là Hiệu trưởng Trường THPT dân lập Đinh Tiên Hoàng, cho biết: “Bản thân cuộc thi phải hấp dẫn, thiết thực thì mới thu hút được HS, còn thi theo kiểu phong trào, lấy số lượng để phản ánh cuộc thi đó có ý nghĩa hay không thì không thể tránh khỏi việc HS, phụ huynh làm theo kiểu bắt buộc, đối phó, làm cho xong”.
Lý lẽ của ban tổ chức khi phát động mỗi cuộc thi đều là nhằm giúp HS tự trang bị kiến thức trong quá trình tìm hiểu, đọc tài liệu để phục vụ cho các cuộc thi. Thế nhưng không ít ý kiến các chuyên gia giáo dục chỉ ra rằng, thi cử không phải là con đường duy nhất và hữu hiệu nhất để giúp HS có kiến thức về lĩnh vực ấy.
PGS Văn Như Cương, Chủ tịch Trường Lương Thế Vinh, Hà Nội, nói: "Muốn HS yêu lịch sử, hiểu biết về lịch sử thì phải thay đổi cách dạy học, cách viết sách giáo khoa; cho HS đến tận nơi những di tích lịch sử, gặp nhân chứng lịch sử, thăm các bảo tàng… Muốn HS hiểu về an toàn giao thông thì những buổi sinh hoạt ngoại khóa phải lồng ghép, trang bị kiến thức các em… Tôi cũng không biết liệu có bao nhiêu phần trăm trong số các bài thi của HS là do chính các em làm ra hay là cha mẹ các em viết hộ hoặc các em copy trên mạng để nộp bài cho khỏi bị phạt. Nếu như thế thì cuộc thi chỉ hoàn toàn là hình thức mà thôi”.
Chính Bộ GD-ĐT cũng từng có văn bản yêu cầu các sở GD-ĐT không biến các cuộc thi mang tính tự nguyện trở thành gánh nặng đối với học trò, thế nhưng cũng chính Bộ lại “nhắc nhở” các địa phương có ít số lượng HS tham gia 2 cuộc thi về an toàn giao thông khiến cả HS và phụ huynh bức xúc.
Bình luận (0)