Dù lãnh đạo ngành giáo dục các cấp luôn khẳng định không cho phép các trường thực hiện những khoản thu ngoài quy định, thế nhưng cứ khi năm học mới bắt đầu phụ huynh lại tiếp tục khổ sở vì các khoản thu vô lý.
Cô trò Trường tiểu học Nghi Trung trong giờ học - Ảnh: Khánh Hoan
|
Mỗi học sinh “gánh” 22 khoản thu ?
Vài ngày qua, một bức ảnh chụp lại danh mục 22 khoản thu đầu năm học được cho là của Trường tiểu học Nghi Trung (H.Nghi Lộc, Nghệ An) lan truyền trên Facebook gây sốc nhiều người.
Trong số 22 khoản thu nêu trên, có 3 khoản thu bắt buộc, 5 khoản theo thỏa thuận và 14 khoản thu tự nguyện với tổng số tiền là 5,214 triệu đồng/học sinh (HS).
Ngày 15.9, phóng viên Thanh Niên đã tìm đến xã Nghi Trung để tìm hiểu việc lạm thu này. Nhiều phụ huynh có con đang học tại trường nói trên xác nhận danh mục các khoản thu nói trên. “Có vài khoản như tết trồng cây, tấm lòng vàng, quà tặng 20.11 thì cô chủ nhiệm nói sẽ thu sau. Tổng cộng nhà tôi phải nộp hơn 4 triệu đồng cho con”, một phụ huynh giấu tên nói.
Một phụ huynh khác cho biết, so với năm học trước, năm học này số tiền đóng cao hơn nhiều. “Trước đây có khoản gọi là tiền xây dựng trường, bây giờ không thu nữa lại đẻ ra khoản xã hội hóa, mà có đến 2 khoản là xã hội hóa nói chung và xã hội hóa để làm mái tôn cho trường. Mặc dù là khoản tự nguyện đóng góp nhưng mỗi em ít nhất cũng phải đóng 500.000 đồng”, vị phụ huynh này nói.
Trao đổi với phóng viên Thanh Niên, bà Lê Thị Hồng, Hiệu trưởng Trường tiểu học Nghi Trung, không thừa nhận danh sách các khoản thu này là của trường. Theo bà Hồng, còn một cuộc họp giữa nhà trường với đại diện phụ huynh HS nữa nhà trường mới chốt danh sách danh mục các khoản thu. Tuy nhiên, khi rà từng khoản thu trong danh mục mà phụ huynh cung cấp, bà Hồng chỉ phủ nhận tiền gửi xe đạp là 108.000 đồng chứ không phải 180.000 đồng và một số khoản thu khác như: tiền quà 20.11, tấm lòng vàng, tết trồng cây, vệ sinh lớp học nhà trường không có chủ trương thu.
Bà Hồng cung cấp văn bản của nhà trường để chứng minh, năm học này trường chỉ thu 10 khoản, trong đó có 3 khoản thu theo quy định (tiền học phí, tiền học bán trú, tiền gửi xe đạp), 4 khoản thu theo thỏa thuận (tiền nước uống, ăn trưa, phí hoạt động hội phụ huynh, mua sắm đồ dùng cho HS nghỉ trưa), 2 khoản thu hộ (bảo hiểm y tế, bảo hiểm tai nạn) và 1 khoản thu xã hội hóa tự nguyện.
Bà Hồng cho rằng, các khoản khác như vệ sinh lớp học, vệ sinh sân trường có thể do phụ huynh đề nghị góp tiền để thuê người quét dọn vì HS lớp 1 chưa thể tự làm được; khoản thu ảnh thẻ, ghế nhựa là do phụ huynh nhờ mua giúp chứ trường không chủ trương thu. “Do trường nhiều năm nay không được đầu tư kinh phí để nâng cấp nên nhà trường phải kêu gọi phụ huynh đóng góp để sửa sang. Năm nay, chúng tôi có 4 hạng mục cần làm là nâng cấp sân trường, tu sửa bồn hoa, đầu tư phòng tin học, lắp thêm quạt cho HS, dự toán hết hơn 277 triệu đồng. Tiền này là kêu gọi sự đóng góp tự nguyện của phụ huynh, không thu cào bằng”, bà Hồng giải thích.
Đóng tiền mỗi năm, chỉ thay khi hư hỏng
Theo quy định, những khoản thu phục vụ cho việc bán trú của HS mầm non, trong đó có tiền cơ sở vật chất bán trú, trung bình từ 200.000 đồng đến 300.000 đồng/năm là khoản thu hộ - chi hộ để mua sắm nệm, gối, chén, ly, muỗng, đũa cho trẻ.
Hiệu phó của một trường mầm non ở TP.HCM cho biết với khoản thu này mà phụ huynh đóng hằng năm, lẽ ra sau mỗi năm học nhà trường phải trả lại đồ dùng của trẻ cho phụ huynh. Sang năm học mới, với kinh phí phụ huynh đóng, các trường phải mua sắm đồ dùng mới. Tuy nhiên, hầu như các trường đều giữ lại, tiếp tục sử dụng và chỉ thay khi vật dụng quá cũ, không thể dùng được nữa.
Một giáo viên của trường mầm non Q.5 kể: “Kết thúc năm học, đồ dùng của mỗi lớp sẽ được bảo quản trong phòng học của lớp đó. Gần đến ngày nhập học, giáo viên cùng bảo mẫu có trách nhiệm vệ sinh, quét dọn, lau rửa”. Nhà trường cũng quy định, mỗi năm chỉ khấu hao 10% cho việc hư hỏng nên mới xảy ra trường hợp giáo viên yêu cầu phụ huynh mua ly mới mang vào trường vì bé làm bể ly. Giáo viên này cũng cho hay: “Chỉ thay tô, muỗng khi món nào ngả màu, ố vàng chứ không có chuyện thay hàng loạt mỗi năm”.
Khảo sát nhỏ với phụ huynh của gần 10 trường mầm non ở các quận khác nhau, chúng tôi đều nhận được câu trả lời “không trả lại đồ dùng”. Chỉ một phụ huynh của Q.4 cho biết: “Hết lớp lá nhà trường có trả lại ly, gối”.
Một lãnh đạo Phòng Giáo dục Q.Tân Phú cho rằng việc thay đồ dùng cá nhân hằng năm là việc làm cần phải thực hiện để đảm bảo chất lượng nuôi dưỡng trẻ. Đặc biệt những trường sử dụng đồ dùng bằng chất liệu nhựa, dùng lâu ngày sẽ không hợp vệ sinh.
Bình luận (0)