|
Có thể tìm mua ở mọi nơi, mọi chỗ
Hình ảnh HS tiểu học, THCS của TP.Đà Nẵng với trang phục áo trắng, quần xanh đã trở nên quen thuộc với người dân TP trong những năm gần đây.
Trường tiểu học Trần Văn Ơn (Q.Hải Châu, Đà Nẵng) hơn 5 năm qua đã không may đồng phục riêng cho HS như những trường khác. Ông Đặng Nhứt, Hiệu trưởng, cho rằng lo cho HS đến trường đã là gánh nặng của phụ huynh, nên không thể trút thêm một gánh nặng nữa lên vai họ. Việc may đồng phục có thể làm nên nét riêng biệt từng trường, nhưng không nhờ vậy mà hình ảnh của HS có thể khác hơn. “Ở lứa tuổi của các em rất cần sự hòa đồng. Đồng phục quần xanh, áo trắng có thể được phụ huynh tìm mua ở mọi nơi, mọi chỗ. Người có nhiều tiền có thể may vải tốt, người khó thì may vải thường, nhưng màu trắng, xanh sẽ không thay đổi”, ông Nhứt khẳng định.
Ông Nguyễn Văn n, Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Huệ, cho rằng rất nhiều HS khó khăn, có thể mặc lại đồng phục cũ quần xanh áo trắng của anh chị mình. Việc mỗi năm thay đồng phục là hết sức lãng phí. “Tôi chứng kiến cảnh nhiều nơi tổ chức đồng phục áo màu cho học sinh, nhưng mỗi năm một sắc, chất liệu vải không giống nhau. Tôi cũng từng biết rất nhiều HS đến trường mà không mua nổi đồng phục, nên việc bắt buộc phải may đồng phục riêng là điều không nên”, ông n nói thêm.
Cách đây 2 năm, rất nhiều trường tiểu học, THCS của TP.Đà Nẵng bắt buộc HS phải may đồng phục riêng của trường. Thậm chí, mỗi năm kiểu dáng cũng thay đổi gây sự lãng phí khá lớn. Chính từ bức xúc của phụ huynh, tại kỳ họp HĐND thành phố khóa VII (năm 2010), vấn đề này đã được đưa ra thảo luận sôi nổi. Từ ý kiến đó, UBND TP đã sớm yêu cầu các trường không tổ chức cho học sinh may, mặc các loại trang phục khác ngoài đồng phục truyền thống của nhà trường. Theo ông Lê Trung Chinh, Giám đốc Sở GD-ĐT, các trường vi phạm quy định này lập tức có biện pháp xử lý thích đáng. Nhờ vậy, vấn đề đồng phục HS trong 2 năm trở lại đây không còn là “vấn nạn” trong các trường học ở Đà Nẵng.
Hà cớ gì thay mới ?
|
Chuẩn bị năm học mới, nhiều phụ huynh ở TP.Cần Thơ bày tỏ sự lo lắng trước thông tin nhiều trường sẽ đổi mẫu đồng phục HS.
Bà Nguyễn Thu Thủy (H.Phong Điền) chậc lưỡi than: “Nhà có 2 đứa con, một lên 11, đứa còn lại chuẩn bị vào lớp 8. Nếu đổi hoàn toàn đồng phục mới, mỗi đứa phải có ít nhất 4 bộ (2 bộ ngày thường, 2 bộ thể dục) thì dự chi ít nhất cũng 1 triệu đồng. Nhà nông nghèo, 1 triệu đồng để lo đồng phục cho 2 con trong lúc khó khăn này là không dễ”.
Trước thông tin này, bà Lâm Thanh Liễu, Phó trưởng phòng GD-ĐT Q.Ninh Kiều (TP.Cần Thơ), chia sẻ: “Hôm rồi ban giám hiệu một trường THCS đề nghị Phòng GD-ĐT chấp thuận cho đổi hoàn toàn mẫu đồng phục với lý do năm học mới thì đồng phục phải mới. Sau khi phân tích cặn kẽ mọi điều, ý kiến cuối cùng của lãnh đạo Phòng là không chấp nhận”.
Ông Võ Thành Tâm, Hiệu trưởng Trường THCS Đoàn Thị Điểm, thông tin: “Lãnh đạo trường thông báo rõ mẫu đồng phục HS sử dụng từ nhiều năm qua sẽ tiếp tục dùng trong năm học mới. Phụ huynh cứ theo đó mà chuẩn bị cho con cháu mình”. Còn ông Nguyễn Thanh Thống, Giám đốc Trường phổ thông Thái Bình Dương, cho biết: “Mẫu quần áo hiện có đã rất đẹp rồi, hà cớ gì phải thay mới chỉ thêm tốn kém?”. Ông Trần Trọng Khiếm, Giám đốc Sở GD-ĐT, khẳng định: “Sở hoàn toàn không chấp thuận thay mẫu đồng phục HS năm học mới. Sở sẽ rất nghiêm khắc đối với những trường tự ý đổi gây khó khăn không đáng có cho phụ huynh”.
Ý kiến “12 năm nay nhà trường không đổi màu cũng như mẫu đồng phục và cũng không in logo trên áo vì để phụ huynh có thể mua ở bất cứ cửa hàng nào hoặc trong gia đình, anh chị em có thể mặc lại của nhau”. (Bà LÊ THỊ NGỌC ĐIỆP, Hiệu trưởng Trường tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm, Q.1, TP.HCM) “Hiện chúng tôi có 2 loại đồng phục chính: thể dục và áo trắng, váy (đối với nữ), quần xanh, áo trắng (đối với nam). Trong năm nay, chúng tôi dự định áp dụng đồng phục áo dài trắng cho nữ sinh ngày chào cờ đầu tuần. Nhưng nhận thấy kinh tế của nhiều phụ huynh khó khăn nên chúng tôi chưa dám lấy ý kiến, triển khai”. (Ông TRẦN PHƯỚC ĐỨC, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Trãi, Q.4, TP.HCM) “Đồng phục của trường đã trở nên quen thuộc hơn 10 năm qua. Năm nay, trường tiến hành thay đổi để có cái nhìn mới mẻ hơn, nhưng chỉ áp dụng với khối lớp 1, các khối lớp khác vẫn sử dụng đồng phục cũ. Nếu phụ huynh nhận thấy đồng phục mới đẹp có thể đăng ký đặt may, chứ không ép buộc”. (Ông NGUYỄN MINH THĂM, Hiệu trưởng Trường tiểu học Lý Thường Kiệt, Bình Định) B.Thanh - M.Luân - T.T.Duyên |
Diệu Hiền - Quang Minh Nhật
>> Khổ vì đồng phục
>> Khổ vì đồng phục - Kỳ 2: Hạn chế sự sáng tạo của học sinh
Bình luận (0)