Loại kem mà Panya, 44 tuổi, thoa lên mặt và cổ được cho là để biến đổi cô thành một người đẹp da trắng, mẫu người mà cô nhìn thấy trong các tạp chí và trên truyền hình. Nhưng loại mỹ phẩm được sản xuất lậu mà cô mua tại một cửa hiệu gần làng mình ở đông nam Thái Lan đã biến khuôn mặt cô thành một miếng chắp vá loang lổ giữa màu trắng và nâu sẫm.
Trắng mới đẹp!
Một nghiên cứu do hãng Dove thực hiện trên 2.000 phụ nữ ở 10 nước và vùng lãnh thổ châu Á cho thấy chỉ 3% phụ nữ châu Á nghĩ mình đẹp. Phần lớn chỉ coi diện mạo của mình ở mức "trung bình". Một trong những lý do là vì niềm tin lâu đời của người châu Á rằng phụ nữ có làn da trắng mới là phụ nữ đẹp vì da trắng có nghĩa là có tiền của để ở trong nhà suốt ngày mà không phải làm việc vất vả ngoài đồng dưới cái nắng gay gắt. Những mẩu quảng cáo nhan nhản về các sản phẩm làm trắng da cho thấy niềm tin này đã tồn tại như thế nào qua năm tháng ở châu Á.
Thăm dò của hãng nghiên cứu Synovate ở Hồng Kông, Malaysia, Philippines, Hàn Quốc và Đài Loan cho thấy có đến 4/10 phụ nữ dùng kem làm trắng da. Cơn sốt làm trắng da không chỉ giới hạn ở khuôn mặt. Nó cũng bao gồm những sản phẩm làm trắng vùng da sậm ở nách và làm hồng ở nơi... em bé bú.
Và trong khi nhiều loại kem làm trắng da là an toàn, các bác sĩ, các tổ chức của người tiêu dùng và các quan chức chính quyền cảnh báo về những hệ quả nguy hiểm khi dùng những sản phẩm không rõ nguồn gốc. Những sản phẩm rẻ tiền trên thị trường chợ đen với những chất tẩy trắng mạnh bị cấm dùng đang bán rất chạy, đặc biệt là ở những khu vực nghèo ở Nam Á và Đông Nam Á.
Rủi ro
Các sản phẩm làm trắng da phát huy tác dụng theo nhiều cách khác nhau. Một số chứa acid có khả năng bóc đi lớp da cũ để lộ lớp da mới và mỏng hơn. Các loại khác ngăn chặn hắc tố, như những sản phẩm chứa chiết xuất dâu tằm, chiết xuất cam thảo, kojid acid, arbutin và hydroquinone, vốn có trong các vật liệu xử lý ảnh. Một số chất tẩy trắng thuộc loại nhanh nhất và rẻ nhất thì cũng chứa nhiều rủi ro nhất, chẳng hạn như các chất có gốc thủy ngân hay hydroquinone, được bán ở Thái Lan với giá chỉ 20 USD/kg, so với chiết xuất cam thảo với giá 20.000 USD/kg. Giới chuyên môn đã chứng minh rằng hydroquinone gây bệnh bạch cầu ở chuột và các động vật khác.
Quay lại trường hợp của Panya, cô sử dụng kem làm trắng da mua với giá chỉ 1 USD/hộp và ban đầu rất hài lòng với kết quả nó mang lại. Sau đó, cô bị ngứa ngáy khắp mặt nhưng cố chịu đựng vì da bắt đầu sáng ra và nhờ đó, cô nhận được nhiều tiền boa hơn ở nhà hàng, nơi cô hát nhạc dân tộc. Nhưng chẳng bao lâu sau, cô đã bị buộc thôi việc vì khuôn mặt loang lổ dễ sợ của mình. Do dùng kem dỏm, da cô đã mất khả năng tạo sắc tố. Các bác sĩ cho biết tình trạng của Panya không thể khắc phục được. Với cô ca sĩ mê làn da trắng này, đó quả là một dấu chấm hết quá tàn nhẫn.
Trùng Quang
(NYT, Sunstar)
Bình luận (0)