Sinh nửa tháng mới được nhận giấy chứng sinh
Anh Trần Ngọc Vũ (ngụ xã An Thạnh, H.Mỏ Cày Nam, Bến Tre) đưa vợ đến sinh con ở Khoa Sản BVĐK Nguyễn Đình Chiểu vào ngày 29.6. Ca sinh thuận lợi và 7 ngày sau đó bác sĩ cho xuất viện về nhà. Tuy nhiên, “hồ sơ” xuất viện chỉ là một mảnh giấy tạm của bác sĩ điều trị, hẹn đúng 15 ngày sau đến nhận giấy chứng sinh và thanh toán viện phí. Anh Vũ bức xúc: “Do gia đình neo đơn, vừa chăm sóc vợ con, vừa phải đến cơ quan làm việc trong giờ hành chính nên việc phải bỏ ra cả buổi để chạy lên bệnh viện làm thủ tục xuất viện với tôi là rất khó. Nhưng nếu không làm thủ tục xuất viện thì lấy gì để trình cơ quan và làm giấy khai sinh cho con?”.
Ngày 1.8, theo ghi nhận của PV, tại khu vực phát thuốc BHYT của BV Nguyễn Đình Chiểu có hàng trăm người đang chờ đến lượt. Hầu hết phải chờ khoảng 3 tiếng đồng hồ, cá biệt có trường hợp chờ gần cả ngày mới nhận được thuốc và thẻ BHYT. Cảnh chờ đợi khá nhếch nhác, nhiều người đã phải lặng lẽ ra phía sau dãy ghế nằm dài xuống gạch vì mệt mỏi. Bức xúc nhất là các trường hợp đã nhận hóa đơn thuốc BHYT của bác sĩ điều trị nhưng khi chuyển bằng đường truyền nội bộ đến bộ phận dược duyệt hóa đơn thuốc để cấp phát thì không khớp hoặc mất gần hết dữ liệu thuốc, thông tin bệnh nhân…
Do lỗi phần mềm đang được…nâng cấp
Cùng ngày, trao đổi với PV Thanh Niên, BS Trần Văn Ân, Phó giám đốc BVĐK Nguyễn Đình Chiểu, cho biết sự cố tắc nghẽn thông tin nội bộ ở bệnh viện diễn ra từ ngày 29.6 đến nay. Nguyên nhân là do trong quá trình nâng cấp hệ thống phần mềm Medisoft HIS để cập nhật thông tin trực tuyến báo cáo lên trang chủ của BHYT VN liên tục gặp sự cố. “Mặc dù trước khi nâng cấp, chúng tôi đã chuẩn bị rất kỹ để đội ngũ nhân viên thực hiện linh hoạt, phối hợp nhịp nhàng các thủ tục bằng viết tay để giảm ùn tắc tại các khu vực điều trị, khám, cấp thuốc BHYT…nhưng do quy mô bệnh viện đến 1.125 giường, mỗi ngày tiếp nhận khám, chữa bệnh cho hơn 2.000 lượt bệnh nhân, cấp phát thuốc có BHYT hơn 800 người nên không xoay xở kịp”, BS Ân nói.
Cũng theo BS Ân, Ban giám đốc bệnh viện vừa gửi tiếp công văn yêu cầu phía Công ty TNHH TMDV tin học Toàn Cầu khẩn trương khắc phục các sự cố; bởi phần mềm này do phía Công ty Toàn Cầu chịu trách nhiệm và phía bệnh viện chỉ trả chi phí để duy trì, bảo trì hệ thống mạng mỗi tháng 70 triệu đồng.
Theo đánh giá của BS Ân, đến ngày 1.8, trung bình chỉ còn hơn 10% số bệnh nhân đến điều trị tại bệnh viện còn gặp các sự cố hành chính. Riêng đối với các toa thuốc, phác đồ điều trị... được các bác sĩ thay đổi đối với một số bệnh nhân nội trú sẽ được thực hiện ngay và sau đó sẽ cập nhật vào hệ thống. Riêng đối với các hồ sơ bệnh nhân bị thất lạc trong quá trình truyền tải dữ liệu nội bộ sẽ được các điều dưỡng thông tin ngay đến các nhân viên thường trực của Công ty Toàn Cầu tại bệnh viện để truy xuất nhằm kéo giảm thời gian chờ đợi của bệnh nhân, người nhà.
Cùng ngày, ThS-BS Ngô Văn Tán, Giám đốc Sở Y tế Bến Tre, cho biết đã yêu cầu phía Ban giám đốc BVĐK Nguyễn Đình Chiểu báo cáo gấp về thực trạng gây bức xúc trong dự luận thời gian qua. Theo đó, nếu phát hiện có yếu tố lỗi do bệnh viện hay phía doanh nghiệp chủ quản phần mềm gây ra, Sở sẽ cương quyết xử lý nghiêm theo quy định.
Bình luận (0)