Khổ vì thiệp cưới

11/01/2011 11:17 GMT+7

Nhận được thiệp cưới, nửa mừng cho bạn nửa lo cho mình. Đó là tâm lý chung trong mấy tháng cận Tết của nhiều người.

“Tháng này có 10 cái đám cưới, toàn ở nhà hàng sang trọng!” - cô bạn cùng phòng trọ than thở với chúng tôi cùng vẻ mặt bí xị. Không than sao được khi lương tháng chỉ có 3 triệu đồng, xoay xở làm sao để có thể chung vui với đám cưới mà vẫn bảo đảm chi tiêu cả tháng!

Quen sơ cũng gửi thiệp hồng
 
Ngày nay, thiệp cưới không chỉ là báo hỉ mà có thể được xem là một cách mở rộng giao tiếp và được mời đại trà khiến nhiều người rất khó xử.
 
Ra trường 5 năm, làm việc trong ngành công tác xã hội nên cần kiệm lắm, mỗi tháng chị N.A (quận 10 - TPHCM) cũng chỉ dành dụm được chút ít gửi về nhà phụ mẹ lo thuốc men cho ba. Vậy mà, trong mùa Giáng sinh vừa qua, chị A. nhận được 8 thiệp cưới. Trong đó, có thiệp nhận được từ người chỉ mới quen qua một buổi sinh nhật của bạn! Bốn đám cưới thân thiết thì chị đến dự, 4 đám còn lại chị đành gửi phong bì. Chị tâm sự: “Biết làm sao được. Không đi thì thấy ngại nhưng... đám nào cũng đi thì tiền đâu mà trang trải!”.
 
Anh Q.T, giảng viên của một trường đại học tại TPHCM, cũng phát “sốt” với những thiệp cưới “trên trời rơi xuống”. Trong 7 thiệp hồng nhận được từ đầu tháng đến giờ, chỉ có 2 thiệp của những người bạn thanh mai trúc mã, còn lại là của học trò và vài người mới quen! Anh T. thổ lộ: “Nếu là bạn thân thì phải gửi phong bì 500.000 đồng, còn không thân thì cũng ngót 200.000 đồng. Vị chi phải dành hơn 2 triệu đồng cho những thiệp này”. Nếu từ nay đến cuối tháng, anh được nhận thêm thiệp nữa thì số tiền anh “bỏ ống” cho các tiệc cưới còn tăng hơn nhiều.
 
Mới ra trường, lương chỉ hơn 2 triệu đồng nhưng được mời dự cưới liên tục khiến Thanh Xuân đôi khi cũng phải đắn đo với thiệp mời của những người bạn thời sinh viên chưa từng có dịp trò chuyện! Trong buổi họp lớp mới đây, Xuân “bật mí” nguyên nhân chuyện dự cưới của bạn không quen là vì... “ra trường, số bạn trong lớp trụ lại thành phố không nhiều, khi tổ chức cưới, cô dâu đã đưa thiệp cho một người bạn thân ghi tên khách mời giùm và tiện thể đi gửi thiệp luôn, mà cô bạn được nhờ ấy lại thân với mình”...
 
Vay tiền mừng cưới
 
Ngoài việc lo tiền mừng cưới, người dự cưới còn phải chuẩn bị áo quần, giày dép, đầu tóc sao cho chỉn chu, tươm tất. Cánh đàn ông chỉ cần quần tây, áo sơ mi nhưng phụ nữ thì phải tốn nhiều cho quần áo, phụ kiện.  Chị Ng.H (quận 1 - TPHCM) chia sẻ: “Không thể mặc hoài một, hai bộ được. Phải có 5-6 bộ cùng những phụ kiện đi kèm dành cho đám cưới”.
 
Căng nhất là những sinh viên mới ra trường, tài chính còn eo hẹp. Như V., bạn cùng lứa cứ ùn ùn đưa thiệp hồng khiến .V. muốn... nghẹt thở. V. tâm sự: “Đi làm cả năm trời mà không dư đồng nào, Tết đến chẳng lẽ vác mặt không về thăm nhà nhưng cũng không thể dự cưới tay không”. Cầm trong tay 9 cái thiệp cưới mà lương lĩnh ra chỉ đủ đóng tiền nhà, tiền ăn, V. phải mượn đỡ tiền của bạn cùng trọ để mừng cưới, chờ lĩnh lương tháng kế tiếp trả và tới đâu thì tính tới đó!
 
Tổ chức đám cưới với đông người đến dự là điều hạnh phúc của các đôi uyên ương nhưng khi lên danh sách khách mời, cô dâu chú rể và hai bên gia đình nên cân nhắc các mối quan hệ và hoàn cảnh kinh tế của khách mời để những người được mời cưới không phải “trong héo, ngoài tươi”. Đặc biệt là không để suy nghĩ đám cưới là dịp “kiếm chút vốn”, là dịp để người ta “trả ơn, trả nợ”... làm mất đi nét đẹp truyền thống của đám cưới Việt.
 
Đám cưới thân tình, ấm cúng sẽ thật ý nghĩa và để lại nhiều kỷ niệm trong đời hơn một đám cưới đông người nhưng xa lạ và thừa trống nhiều bàn.

Theo Người Lao Động

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.