Khổ vì thời khóa biểu tùy tiện: Đừng đẩy khó cho học sinh

13/10/2016 10:32 GMT+7

Đó là ý kiến của nhiều bạn đọc sau khi Thanh Niên ngày 12.10 đăng bài Khổ vì thời khóa biểu tùy tiện .

Làm sao các em hứng thú học tập ?
Chương trình học hiện nay nhìn chung là nặng, có nhiều môn học và nội dung các môn cũng quá nhiều. Thời gian học của các em chiếm gần hết ngày. Thế nhưng việc sắp xếp số buổi và ngày học theo tôi thấy gần như là để thuận tiện cho giáo viên và nhà trường chứ không phải để thuận tiện cho các em. Chính vì vậy, khó khăn lại càng đè nặng lên học sinh. Học sinh học nhiều nhưng tủn mủn, thời gian kéo dài không khoa học nên về nhà là các em quá mệt mỏi, nhưng vẫn phải làm bài tập, học thuộc bài, nhiều hôm phải học đến tận khuya. Tâm lý chán học xuất phát từ đây vì nhu cầu giải trí, thư giãn không được đáp ứng.
Đỗ Ben
(Q.3, TP.HCM)
Thiếu khoa học
Năm học vừa qua, con tôi học lớp 7 bán trú tại một trường ở TP.HCM. Thời khóa biểu của con tôi có ngày học đến 7 tiết và cả 7 môn khác nhau đều phải học bài, soạn bài, làm bài tập. Vì vậy, con tôi phải học đến 12 giờ khuya nhưng chỉ tạm hoàn thành được 3 môn quan trọng nhất, 4 môn còn lại kể như không đụng đến. Thời khóa biểu phải khoa học và thuận tiện để các em tiếp thu bài tốt, chứ học mà dồn dập, căng thẳng như vậy thì chỉ tạo cho các em tâm lý học đối phó, học cho qua môn, không thể đạt hiệu quả được.
Phan Thị Bảo Thoa
(phanthibaothoa1972@yahoo.com)
Học sinh phải là trung tâm
Thời khóa biểu là lịch trình để các em chuẩn bị bài vở và tiếp thu bài học. Vì vậy, nếu thời khóa biểu không được sắp xếp khoa học, hợp lý thì làm sao các em tiếp thu bài tốt được. Chương trình học ở các nước tiên tiến người ta lấy học sinh làm trung tâm, các môn học, kể cả thời khóa biểu, cũng phải nhằm mục đích phục vụ cho các em một cách hợp lý, có nơi còn lên lịch linh động để các em tự đăng ký giờ học sao cho thuận tiện nhất cho các em. Còn ở VN thì ngược lại, nhà trường lên lịch học, các em phải thụ động tuân theo.
Nguyễn Đức Tâm
(Q.1, TP.HCM)
Làm sao học nổi
Môn thể dục được bố trí vào tiết cuối là quá phản khoa học. Tôi thấy ở một số trường thường bố trí môn thể dục vào một buổi học riêng, xem như hoạt động ngoại khóa vậy, cho các em được vận động thoải mái chứ không đơn thuần chỉ là giờ học thể dục cứng nhắc. Như vậy, các em vừa học được kỹ năng mà còn có thời gian thư giãn. Các môn học khác cũng phải nên được bố trí theo từng ngày có tính liên tục thì các em mới học theo mạch và mới nhớ được lâu. Cách bố trí manh mún thì học trước cũng quên sau mà thôi.
Nguyễn Xuân Nguyên
(Q.Gò Vấp, TP.HCM)
Phải sắp xếp hợp lý
Các môn học phải được sắp xếp hợp lý. Môn xã hội phải xen kẽ với môn tự nhiên, còn giờ thể dục thì phải bố trí sao cho các em cảm thấy đó là môn học vận động, vui chơi. Mỗi ngày các em chỉ nên học khoảng 2 môn là đủ, như vậy các em mới có thời gian chuẩn bị. Một ngày mà “nhét” cho các em 5 môn khác nhau, mỗi môn chỉ học qua loa 1 tiết thì làm sao các em tiếp thu nổi.
Trần Minh Hùng
(Q.12, TP.HCM)
Nguyễn Tiến
Vấn đề nằm ở chỗ khối lượng môn học quá nhiều dẫn đến nhà trường phải nhồi nhét vào thời khóa biểu cho đủ số giờ. Nếu chương trình có sự cân bằng về số tiết học, thời lượng học cho từng môn thì thời khóa biểu cũng sẽ được điều chỉnh hợp lý. Thời khóa biểu không chỉ là cái lịch cho các em và cho giáo viên lên lớp mà còn là cách thức để các em học sinh tiếp thu bài vở, nên cần phải khoa học và hợp lý.
Nguyễn Tiến 
(Q.7, TP.HCM)
Lương Thị Ân
Tôi thấy các em học sinh bây giờ cứ cắm đầu vào học suốt. Sáng học, chiều học, tối lại đi học nữa. Với thời khóa biểu kín như vậy thì các em đâu còn thời gian tham gia vào các hoạt động ngoại khóa? Học nhiều như vậy nhưng không biết các em có tiếp thu hết được kiến thức không, hay là học trước rồi lại quên sau. Học nhiều nhưng không có thời gian ứng dụng trong cuộc sống thì cũng vô ích.
Lương Thị Ân
 (Q.Bình Tân, TP.HCM)
T.T - Sơn Hải
 (thực hiện)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.