“Góp một cuốn sách nhỏ, đọc ngàn cuốn sách hay”
Trường Tiểu học Thăng Long, Q.Hoàn Kiếm, Hà Nội là một trong số ít trường phổ thông của Hà Nội được khắc tên vào lịch sử dân tộc nhờ đây là nơi khởi nghiệp khai trí của một số trí thức yêu nước từ những năm 30 của thế kỷ trước. Một trong những vị trí thức đó là Đại tướng Võ Nguyên Giáp, người tiếp tục khơi dậy và cổ vũ tinh thần yêu thích sách cho nhiều thế hệ thầy trò trường Thăng Long.
Cô Phan Thị Thắng, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Hàng chục năm qua, dù cơ sở chật hẹp, trường vẫn có một thư viện để học sinh hàng ngày tới đọc sách. Ngoài ra, tại mỗi lớp đều xây dựng tủ sách dùng chung, đầu tháng học sinh mang sách tới góp, cuối tháng lại mang về đổi cuốn khác. Nhờ vậy mà nhà trường dù không phải bỏ kinh phí ra nhưng học sinh luôn có sách mới để đọc”.
Từ 3 năm nay, sau khi được xây dựng mới, nhà trường dành hẳn một phòng rộng khoảng 130 m2 làm phòng đọc sách. Để tạo không gian thân thiện, cô Hiệu trưởng cho dẹp hết bàn ghế rồi trải thảm trên sàn để học sinh được tự do lăn lê bò toài khi đọc sách. Lớp nào cũng được bố trí một tiết/tuần để học sinh lên thư viện. Riêng giờ ra chơi các em được lên thư viện tự do. Các em được phép tự chọn sách, lấy sách và được giáo dục nguyên tắc văn minh là đọc tại chỗ, đọc xong trả sách về chỗ cũ.
Theo cô Thắng, để làm phong phú đầu sách cho thư viện và để có sách tặng thư viện các trường nghèo, mỗi năm nhà trường lại tổ chức một vài lần ngày hội “Góp một cuốn sách nhỏ, đọc ngàn cuốn sách hay”. “Cô Đặng Bích Hà (phu nhân Đại tướng Võ Nguyên Giáp - PV) luôn dặn chúng tôi là nhớ để ý các con đọc những sách gì. Theo cô Hà, không phải cứ thấy các con đọc sách là mừng, mà phải định hướng các con đọc sách hay, bổ ích”, cô Thắng chia sẻ.
tin liên quan
Làm thế nào để trẻ thích đọc sách?Đọc sách là một phương pháp tích luỹ kiến thức rất hiệu quả và giúp trẻ biết tư duy và tự lập, nhưng hiện nay hầu như trẻ em không thích đọc sách.
Xây dựng môi trường đọc lành mạnh, khoa học
Theo ông Phạm Xuân Tiến, Sở GD-ĐT Hà Nội, từ một vài trường tiên phong, phong trào tạo dựng văn hóa đọc cho học sinh hiện nay đã lan đến rất nhiều trường trên địa bàn thành phố. Hình thức vận động phụ huynh, học sinh góp sách cho thư viện nhà trường, rồi thành lập tủ sách dùng chung tại các lớp học, khá phổ biến, đặc biệt với cấp tiểu học (do đặc thù hầu hết các trường tiểu học tổ chức được học 2 buổi/ngày).
Cũng theo ông Tiến, từ năm ngoái, Sở đã có chế tài buộc tất cả những trường tổ chức học 2 buổi/ngày phải bố trí thời khóa biểu để có ít nhất một tiết thư viện/tuần. Học sinh ở trường học 1 buổi/ngày thì phải được tiếp cận dễ dàng với các nguồn tài liệu có trong thư viện trường, thư viện lớp vào đầu và cuối buổi học, giờ ra chơi. “Quan trọng là các trường không được làm cho có, mà phải đổi mới cách thức tổ chức và hoạt động thư viện trường học, nhằm tạo môi trường thuận lợi, thu hút được các em đọc sách thường xuyên”, ông Tiến nhấn mạnh.
Đầu năm học này, Sở GD-ĐT Hà Nội chủ trì, phối hợp cùng các cơ quan hữu quan tổ chức cuộc thi “Đại sứ văn hóa đọc thủ đô năm 2016”. Từ nay trở đi, đây sẽ là hoạt động thường niên. Các danh hiệu “Đại sứ văn hóa đọc Thủ đô 2016” sẽ được trao trong Hội sách Hà Nội 2016 tại Di sản Hoàng thành Thăng Long tháng 10 tới. Ngoài giấy chứng nhận và phần thưởng có giá trị, những bạn nhỏ được trao danh hiệu này còn được tặng các đầu sách mới phát hành trong những chương trình về sách và văn hóa đọc (hội sách, giao lưu, tọa đàm, giới thiệu sách....) do Hà Nội tổ chức.
“Chúng tôi hy vọng sự kiện này sẽ là cú hích thúc đẩy phong trào đọc sách. Từ cuộc thi, chúng ta sẽ tìm ra những bạn trẻ ham đọc sách, có thể giới thiệu sách hay và lan tỏa niềm đam mê đọc sách tới mọi người xung quanh, từ đó nâng cao nhận thức của mọi tầng lớp nhân dân về ý nghĩa và tầm quan trọng của đọc sách trong việc hình thành nhân cách con người”, ông Tiến bày tỏ.
Bình luận (0)