Rất nhiều tài xế xe chở khách du lịch nước ngoài loại 45 chỗ bị phạt vì hành vi lấn trái hoặc chạy sai tuyến ở đoạn từ ngã tư Thủ Đức (TP.HCM) đến Biên Hòa (Đồng Nai) và ngược lại. Theo các tài xế, nguyên nhân là do sự bất hợp lý trong việc cắm biển báo tốc độ và phân làn xe.
Biển báo tốc độ làm khó
Ngày 13.2, đang trên đường từ Thủ Đức hướng ra Biên Hòa, anh Trương Thu, tài xế xe khách 45 chỗ đang chở đoàn khách du lịch người nước ngoài đi Nha Trang bị CSGT phạt vì tội đi không đúng làn đường. Anh Thu phân bua: “Trong khi làn ô tô con được phép chạy 80 km/giờ thì vắng còn xe khách của tôi phải chạy theo sau những chiếc xe tải đang ì ạch chở hàng. Nếu cứ chạy sau xe tải như thế thì không thể kịp giờ theo hợp đồng”. Trên QL1A, PV đã chứng kiến hình ảnh những chiếc xe container, xe tải chở hàng rất nặng chạy ì ạch trên đường với tốc độ 30-40 km/giờ. Đường Xuyên Á cũng cắm biển báo tốc độ khống chế như vậy từ đầu đường đến cuối đường dài hàng chục km, trong khi làn đường xe con rất ít xe lưu thông, nhưng xe khách vẫn phải bò theo xe tải rất chậm.
|
Ông Minh Điền - tài xế xe 45 chỗ chuyên chở khách du lịch người nước ngoài cũng bức xúc: “QL1A đoạn từ ngã tư Vũng Tàu đến cổng khu công nghiệp Amata đường rất rộng, nhưng lại để biển báo tốc độ 40 km/giờ. Trong khi đó, đoạn từ Hố Nai về đến ngã ba Dầu Giây đường chật, người đông lại có những biển báo cho phép xe chạy ở tốc độ 70 km cho xe tải và 80 km cho xe con. Như vậy là bất hợp lý”. Anh Khôi - tài xế một công ty du lịch kể: “Khi đóng phạt vì tội lấn trái, tôi có nói với CSGT về bất hợp lý của biển báo tốc độ nhưng họ bảo rằng cứ đóng phạt còn chuyện kiến nghị thì cứ kiếm mấy ông công chánh”.
Di chuyển 200 km mất...6 tiếng đồng hồ
Ông Trọng Vũ - Giám đốc Trung tâm vận chuyển Fiditour cho biết: “Đa số khách đều phàn nàn về việc xe đi quá chậm. Một chuyến đi từ TP.HCM đến Phan Thiết chỉ 200 km, thế mà xe 45 chỗ, đời mới phải chạy mất 6 tiếng đồng hồ, thậm chí lâu hơn nữa thì khách nào không mệt”. Thực tế ai đi qua đoạn đường từ cầu Đồng Nai về đến ngã tư Thủ Đức đều thấy hình ảnh những đoàn xe tải, container nối đuôi nhau trong khi phần làn đường dành cho ô tô con thì trống trơn. Ông Nguyễn Đức Tiến - một chuyên viên nghiên cứu luật giao thông khẳng định: “Việc phân luồng không rõ ràng, để xe khách 45 chỗ chạy chung với làn xe tải, xe container là điều bất hợp lý. Ngoài ra, các làn đường này đều được vẽ ngắt quãng, điều này trong luật cho phép tài xế được quyền chuyển làn để vượt lên. Thế nhưng khi tài xế lấn trái để vượt qua xe tải thì bị công an thổi phạt vi phạm lấn tuyến, chạy sai tuyến”.
Thiết nghĩ, các cơ quan chức năng cần có giải pháp đồng bộ, cho phép xe khách từ 30 chỗ trở lên, nhất là xe chở khách du lịch được lưu thông vào phần đường dành cho ô tô con trong những giờ thấp điểm.
Có thể chuyển vào làn của ô tô con để vượt lên Xung quanh vấn đề xe khách có được đổi làn, ông Lê Ngọc Hùng - Phó giám đốc Khu quản lý giao thông đô thị số 2 đã trả lời phỏng vấn Thanh Niên. Ông có thể cho biết, việc cắm biển báo tốc độ như hiện nay căn cứ vào đâu và có hợp lý chưa? Việc phân làn như hiện nay là hợp lý vì theo quy định, ô tô khách trên 30 chỗ, ô tô tải có trọng tải từ 3.500 kg trở lên; ô tô sơ mi rơ moóc có cùng tốc độ tối đa là 40 km/giờ. Tuy nhiên, chúng tôi xin ghi nhận ý kiến của tài xế, sẽ tiếp tục theo dõi và kiến nghị các cấp có thẩm quyền xem xét điều chỉnh cho phù hợp. Tại những đoạn kẻ vạch đứt quãng, ô tô trên 30 chỗ có được phép di chuyển vào làn của ô tô con không? Theo điều lệ báo hiệu đường bộ 22TCN-237-01: Tại các vị trí vạch phân chia làn xe bằng đường đứt khúc màu trắng, trong điều kiện cho phép (xe phía trước chở nặng, tốc độ lưu thông chậm làm ảnh hưởng hoặc gián đoạn dòng xe lưu thông phía sau) thì được vượt xe và đổi làn. Với điều kiện như vậy, ô tô khách hơn 30 chỗ có thể di chuyển vào làn của ô tô con để vượt lên và sau đó trở về làn theo đúng quy định là được. Thiên Long |
Thiên Long
Bình luận (0)