Khổ với giá phân bón

13/10/2011 09:45 GMT+7

Trong nhiều năm qua, người dân miền Tây nói riêng và cả nước nói chung luôn khổ sở vì mỗi khi xuống vụ thì giá phân bón lại tăng. Tính trung bình mỗi năm giá phân bón các loại tăng từ 50% - 100%. Không chỉ tăng giá, thị trường phân bón còn xảy ra tình trạng hút hàng khiến nhiều nông dân có tiền vẫn rất khó mua được phân bón.

Hiện nay, giá phân urê đang ở mức 600.000-650.000 đồng/bao (50kg) – cao nhất từ trước đến nay, tăng 200.000 đồng/bao so với đầu năm. Giá nhiều loại phân bón khác cũng tăng tương tự. Theo giải thích của các nhà sản xuất và nhập khẩu phân bón trong nước, thì chuyện hút hàng tăng giá là do nguồn cung không đáp ứng đủ và giá thế giới tăng cao. Một số nước mà chúng ta nhập khẩu phân bón như Trung Quốc đang hạn chế xuất khẩu để đảm bảo nhu cầu trong nước.

Tuy nhiên, theo thống kê của Tổng cục Hải quan, tính đến giữa tháng 8, số lượng phân bón đã nhập hơn 2,3 triệu tấn, tăng trên 550 ngàn tấn và lượng phân bón sản xuất trong nước cũng tăng gần 15% so với cùng kỳ năm trước. Như vậy, việc giải thích tình trạng sốt hàng, tăng giá của các nhà sản xuất và nhập khẩu phân bón trong nước hoàn toàn trái ngược với kết quả theo dõi của cơ quan chức năng. Đây là điều khiến nhiều người cảm thấy khó hiểu. Trong năm nay, mặc dù giá lúa luôn ở mức cao, nhưng nhiều nông dân tỏ ra không mấy lạc quan do giá lúa chỉ mới tăng 1 mà giá vật tư nông nghiệp đã tăng đến 2 – 3 lần. “Thành thử tiền cầm chưa nóng tay đã phải trả lại cho người khác. Nhưng sống bằng nghề nông, chẳng lẽ đến vụ lại không làm”, nhiều nông dân tâm sự.

Là một nước nông nghiệp nhưng giá vật tư nông nghiệp cứ năm sau lại tăng gấp đôi năm trước; phần lớn lượng phân bón, thuốc trừ sâu lại phụ thuộc vào nước ngoài vì sản xuất trong nước chưa đảm bảo là điều rất cần phải bàn. Chúng ta thường tự hào về sản lượng xuất khẩu của nhiều mặt hàng nông sản dẫn đầu thế giới, nhưng với góc nhìn của nhiều nhà kinh tế thì cũng giống như chúng ta chỉ là những người làm công. Chúng ta đang làm công và chúng ta tự hào về điều đó. Để hạn chế tình này, thì một trong những vấn đề quan trọng là phải chủ động được nguồn vật tư nông nghiệp từ trong nước. Trách nhiệm đó thuộc về các cơ quan quản lý nhà nước.   

Chí Nhân

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.