Căng thẳng ngay từ lớp 1
Nghị quyết T.Ư 2 khóa VIII (1996) nêu rõ: không tổ chức lớp chọn ở các cấp học; không tổ chức trường chuyên ở tiểu học và THCS, trừ các trường năng khiếu về nghệ thuật và thể thao. Thế nhưng theo ghi nhận của PV Thanh Niên, hầu hết các trường từ tiểu học đến THCS ở Hà Nội hoặc công khai hoặc “âm thầm” tồn tại loại hình lớp chọn bất chấp quy định cấm.
|
Đối với các trường tiểu học thì mỗi trường có ít nhất 1-2 lớp chọn, vừa để dành cho học sinh (HS) giỏi, vừa cho con em của những mối quan hệ “ngoại giao”; còn ở các trường trung học thì lớp chọn được phân chia theo các môn học, như: lớp chọn toán, văn, Anh... Một phụ huynh có con học tại trường Tiểu học Hoàng Liệt (Q.Hoàng Mai) cho biết: “Cả nhà tôi quay cuồng vì phải cho con vào lớp chọn bằng mọi giá. Khi xin vào trường cũng phải tốn kém khá nhiều để con được vào “lớp ngoại giao” tốt nhất của khối lớp 1. Hết lớp 1 thì nhà trường tổ chức ôn tập và thi tuyển vào lớp chọn của khối lớp 2. Nội dung ôn tập của kỳ thi này rất khó, hầu hết kiến thức đều mang tính chất đánh đố HS, chủ yếu là của chương trình lớp 2”.
Bộ GD-ĐT không xử phạt xuể Trao đổi với PV Thanh Niên, ông Lê Tiến Thành - Vụ trưởng Vụ Giáo dục tiểu học (Bộ GD-ĐT), khẳng định: “Việc tổ chức các lớp chọn trong trường tiểu học và THCS như hiện nay là trái với quy định. Bộ GD-ĐT cũng không thừa nhận bất cứ sự tồn tại của lớp chọn nào trong tất cả các cấp học, cũng như không quy định hoặc cho phép thi cử để xếp lớp chọn”. Ông Thành giải thích: “Việc đưa ra yêu cầu xóa bỏ hệ thống lớp chọn ở các cấp học là đã dựa trên căn cứ khoa học, tình hình thực tiễn, tránh xảy ra tình trạng HS phải học quá nặng, học lệch, học để thi giành các giải thưởng nọ kia mà không được phát triển toàn diện”. Tuy nhiên, ông Thành cũng thẳng thắn nhận xét: “Không xử phạt xuể việc vi phạm. Trách nhiệm chính vẫn thuộc về địa phương: Tại sao vẫn cho phép tồn tại các lớp chọn như vậy mà không xử lý?”. |
Điều này cũng có nghĩa nếu chỉ dạy và học theo đúng nội dung chương trình do Bộ GD-ĐT ban hành thì chắc chắn HS không thể vào được các lớp chọn.
Lớp... ngoại giao
Có một thực tế là ở các trường càng danh tiếng thì việc chạy đua, thi tuyển vào lớp chọn càng căng thẳng.
Trường THCS Trưng Vương (Q.Hoàn Kiếm) có ít nhất 4-5 lớp chọn ở mỗi khối. Một phụ huynh có con học lớp chuyên toán của trường này cho biết: “Học lớp chuyên toán là vất vả nhất, ngoài học nâng cao, HS còn phải thường xuyên làm các chuyên đề toán y như những lớp chuyên toán của trường chuyên vậy”. Các trường THCS Đống Đa, Giảng Võ, Nguyễn Trường Tộ... cũng có những lớp chọn tương tự. Sau khi được nhận vào trường, tất cả HS sẽ phải thi 3 môn: toán, văn, Anh để nhà trường xếp lớp. Khoảng tháng 6, các trường mở lớp ôn thi, học trong khoảng 2 tuần với mục đích là để HS “làm quen” với môi trường học tập mới. Đề thi rất khó nên hầu hết các bậc phụ huynh nếu đã nhắm cho con vào lớp chọn thì không thể trông chờ vào mấy tuần ôn tập trước khi thi này mà phải lo luyện thi từ mấy năm trước khi chuyển cấp.
Vào được lớp chọn rồi vẫn chưa hết lo bởi cứ trước khi kết thúc năm học, các trường lại tiếp tục tổ chức thi để xếp lớp. HS lớp chọn nếu không đạt yêu cầu của kỳ thi này thì sẽ phải ra lớp thường để học. Ngược lại, những HS của lớp thường nếu có kết quả thi tốt lại được tuyển vào lớp chọn. Cứ như vậy, các kỳ thi đã đẩy phụ huynh vào trạng thái phải lo cho con học thêm, học nâng cao... để được học lớp chọn.
Dù mệt mỏi, khổ sở với cuộc đua vào lớp chọn nhưng nhiều phụ huynh vẫn quyết tâm tìm một chỗ cho con mình. Lý do rất đơn giản vì trong các lớp chọn, nhà trường thường bố trí những giáo viên có năng lực, kinh nghiệm trực tiếp giảng dạy. Điều trớ trêu hơn là ở nhiều trường không chỉ có lớp chọn dành cho HS giỏi thực sự mà còn tồn tại cả lớp chọn dành cho con em của các mối quan hệ ngoại giao với những tên gọi như: lớp chọn 1, chọn 2 hoặc chọn A, chọn B...
Ý kiến Không phân biệt trình độ giữa các lớp "Ngoài chương trình thí điểm tăng cường tiếng Anh thì trường không có sự phân biệt trình độ giữa các lớp. Lớp nào cũng có HS giỏi và HS chưa giỏi, từ đó yêu cầu giáo viên phải hài hòa phương pháp giảng dạy để phát huy nhận thức của HS". Ông Lý Văn Huệ, Sẽ tạo sự bất công "Lớp chọn sẽ tạo sự bất công cho giáo viên và HS. HS yếu sẽ mặc cảm, còn giáo viên sẽ vất vả. Bên cạnh đó, khi dạy theo dạng đại trà như hiện nay, giáo viên phân biệt được từng trình độ để dạy theo hướng cá thể. Từ đó phát hiện được năng khiếu của các em bởi có HS không nhanh nhẹn ở môn Toán nhưng lại nổi trội ở môn tiếng Việt hoặc ngược lại". Bà Võ Ngọc Thu, Trưởng phòng GD Q.5, TP.HCM HS sẽ không có động lực phấn đấu "Nếu trường nào trong quận có ý định tổ chức những lớp như vậy, là đơn vị quản lý, Phòng GD sẽ trực tiếp giải thích để không thực hiện. Bởi lẽ nếu tách HS giỏi học riêng, HS yếu học riêng sẽ khiến các em không còn động lực để phấn đấu". Ông Tạ Tân, Trưởng phòng GD Q.Tân Phú, TP.HCM B.Thanh (ghi) |
Tuệ Nguyễn
Bình luận (0)