Khó xảy ra nhập gia cầm sống từ Campuchia vào Việt Nam

27/02/2023 06:18 GMT+7

Thông tin dịch cúm gia cầm bùng phát tại Campuchia khiến nhiều người lo lắng.

Tuy nhiên, sức mua thấp, giá giảm mới là nỗi lo lớn nhất của người chăn nuôi hiện nay.

Giá gia cầm Việt Nam thấp hơn Campuchia

Theo ông Lê Xuân Huy, Phó tổng giám đốc Công ty chăn nuôi C.P, khả năng gia cầm sống nhập khẩu vào VN là điều khó có thể xảy ra. "Hiện nay, chúng tôi chưa nghe cấp dưới báo cáo về tình hình gia cầm từ Campuchia nhập về VN tiêu thụ. Bởi lẽ giá gia cầm trong nước hiện nay đang xuống thấp, chênh lệch khá lớn so với các nước trong khu vực. Chính vì vậy khó có thể xảy ra trường hợp nói trên. Tuy nhiên, về mặt phòng chống dịch bệnh thì chúng ta vẫn phải thực hiện các biện pháp phòng ngừa nghiêm ngặt, tránh ảnh hưởng đến tình hình chăn nuôi và tiêu thụ trong nước", ông Huy nói.

Khó xảy ra nhập gia cầm sống từ Campuchia vào Việt Nam - Ảnh 1.

Nguồn cung gia cầm đang dư thừa, giá giảm

QUANG THUẦN

Cùng nhận định trên, đại diện Công ty Japfa cũng cho biết: "Hiện nay Japfa không bị ảnh hưởng bởi tình hình dịch cúm gia cầm tại Campuchia, thậm chí có nhiều thời điểm công ty còn xuất khẩu sang thị trường này. Giá thịt gia cầm tại Campuchia đang cao hơn VN, nên khó có thể đưa vào VN tiêu thụ. Mặc dù vậy, thú y địa phương đang có sự giám sát chặt chẽ hơn về mặt quản lý dịch bệnh. Trước đây thì công ty tự tiêm phòng cho các trang trại chăn nuôi gia công nhưng mấy ngày gần đây thì cơ quan thú y cử người trực tiếp để tiêm phòng cho đàn gia cầm của người dân".

Dù vậy, ông Nguyễn Văn Ngọc, Phó chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai, vẫn tỏ ra thận trọng: "Nếu tình hình dịch cúm gia cầm ở Campuchia như thông tin gần đây thì đúng là đáng lo. Tuy nhiên, chúng ta cũng cần bình tĩnh tránh làm ảnh hưởng đến tâm lý người dân và ảnh hưởng đến ngành chăn nuôi gia cầm của VN. Thời gian qua, giá gia cầm xuất chuồng của chúng ta khá thấp, cụ thể như gà lông trắng chỉ 17.000 - 18.000 đồng/kg trong khi các nước lân cận đều trên 30.000 đồng/kg. Chính vì vậy, theo tôi, gia cầm và sản phẩm gia cầm từ các nước lân cận nhập vào VN tiêu thụ là không có. Bên cạnh đó, trong thời gian qua từ các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ đến trang trại lớn đều đề cao và tuân thủ nghiêm các hướng dẫn về tiêm phòng, phòng chống dịch cho đàn vật nuôi. Người tiêu dùng có thể yên tâm về sản phẩm gia cầm trong nước".

Lây lan dịch từ Campuchia không đáng lo nhưng sức mua thấp, giá giảm lại khiến người nuôi gia cầm lao đao. Từ sau Tết Nguyên đán đến nay, thị trường tiêu thụ tiếp tục giảm sút, giá bán giảm ảnh hưởng thu nhập của nông dân. Ông Lê Xuân Huy thông tin: "Cũng như thị trường thịt heo, các mặt hàng gia cầm hiện nay cũng đang trên đà giảm giá. Giá gà thịt miền Bắc đang ở mức 27.800 đồng/kg, miền Trung 23.200 đồng/kg, miền Đông và miền Tây Nam bộ: 20.000 - 21.000 đồng/kg. Mức giá này đã giảm từ 5.000 - 7.000 đồng/kg, nguyên nhân là do các nguồn tiêu thụ tại bếp ăn tập thể, nhà hàng, khách sạn giảm sút trong khi nguồn cung đang có dấu hiệu dư thừa".

Khó xảy ra nhập gia cầm sống từ Campuchia vào Việt Nam - Ảnh 2.

Gia cầm sống bán tại chợ ở Q.5, TP.HCM

CHÍ NHÂN

Chỉ đạo khẩn phòng chống cúm gia cầm

Theo Cục Thú y (Bộ NN-PTNT), hằng năm VN vẫn ghi nhận xuất hiện rải rác các ổ dịch cúm gia cầm do vi rút cúm A/H5N1 gây ra. Hiện tại, cả nước chỉ còn 2 ổ dịch cúm A/H5N1 trên đàn gia cầm ở Nghệ An và Cao Bằng chưa qua 21 ngày nhưng 5.000 con gia cầm ở các ổ dịch này đã được cơ quan thú y, chính quyền địa phương xử lý, tiêu hủy và chưa ghi nhận sự lây lan. Ngoài ra, định kỳ hằng năm, Cục Thú y đều triển khai chương trình lấy mẫu giám sát tại các chợ, cơ sở chăn nuôi, cơ sở giết mổ gia cầm… để kịp thời phát hiện, cảnh báo các địa phương về vi rút cúm gia cầm.

Trả lời Thanh Niên, ông Lê Việt Bảo, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y TP.HCM, cho biết: "Ngày 25.2, ngành y tế và thú y TP đã có cuộc họp khẩn về tình hình cúm gia cầm ở Campuchia. Hiện UBND các quận huyện và chi cục đang thực hiện các giải pháp phòng chống dịch cúm gia cầm theo quyết định này. Theo đó, chi cục sẽ ban hành kế hoạch lấy mẫu giám sát chủ động theo chỉ đạo, đồng thời sẽ tham mưu cho ủy ban các quận huyện tăng tần suất hoạt động của đoàn liên ngành phòng chống dịch bệnh động vật của địa phương để kiểm tra, giám sát tình hình vận chuyển, kinh doanh gia cầm, sản phẩm gia cầm trên địa bàn. Đối với những trường hợp bán gia cầm sống tại các chợ truyền thống sẽ được tăng cường giám sát việc tuân thủ các quy định pháp luật về đăng ký kinh doanh, giấy chứng nhận kiểm dịch sản phẩm gia cầm và các quy định phòng chống dịch có liên quan. Chúng tôi cũng phối hợp với ngành y tế cơ sở thực hiện nghiêm các chỉ đạo của Bộ NN-PTNT và UBND TP".

Năm 2023 được dự báo vẫn là một năm còn khó khăn đối với ngành chăn nuôi như: Giá năng lượng, giá nguyên liệu thức ăn và vật tư đầu vào vẫn đứng ở mức cao; tình hình dịch bệnh trên vật nuôi vẫn diễn biến phức tạp. Tuy vậy, sẽ có nhiều yếu tố thuận lợi hơn để ngành gia cầm VN khởi sắc, lĩnh vực du lịch nội địa và quốc tế sẽ tăng trưởng, nhu cầu tiêu thụ đối với thịt, trứng gia cầm ngày càng tăng; sự chuyển dịch từ tiêu thụ nhiều thịt đỏ (heo, bò) chuyển sang thịt trắng (gia cầm), một phần là do giá thịt gà rẻ hơn, phần khác là do chăn nuôi gia cầm ít ảnh hưởng đến môi trường hơn. Xuất khẩu sản phẩm gia cầm chính ngạch đã được khơi thông, mở ra triển vọng sản xuất và tiêu thụ sẽ tăng trưởng hơn so với năm 2022...

TS Nguyễn Thanh Sơn, Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm VN

Trước tình hình trên, ngày 26.2, Bộ NN-PTNT có chỉ đạo khẩn về biện pháp phòng chống cúm gia cầm. Theo đó, Bộ chỉ đạo các địa phương khẩn trương rà soát, tổ chức tiêm vắc xin phòng các bệnh, đặc biệt đối với các bệnh nguy hiểm trên vật nuôi (như: cúm gia cầm, lở mồm long móng, tai xanh, viêm da nổi cục, dại...) tại các địa phương đã, đang có dịch, có nguy cơ cao, đặc biệt lưu ý đàn vật nuôi tại các khu vực có nguy cơ cao, vật nuôi đã được tiêm vắc xin nhưng đã hết hoặc sắp hết thời gian miễn dịch, bảo đảm tỷ lệ đạt trên 80% tổng đàn tại thời điểm tiêm vắc xin; xử lý nghiêm các trường hợp giấu dịch, không báo cáo dẫn đến dịch bệnh lây lan rộng, gây ảnh hưởng cho người dân và cộng đồng; tăng cường công tác quản lý kiểm dịch, kiểm soát vận chuyển động vật, sản phẩm động vật; tổ chức ngăn chặn và xử lý nghiêm các trường hợp vận chuyển động vật, sản phẩm động vật trái phép qua biên giới; chủ động phối hợp với các cơ quan quản lý thị trường và các cơ quan liên quan tăng cường kiểm tra, giám sát, phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp buôn bán, vận chuyển, giết mổ động vật, chế biến các sản phẩm không bảo đảm yêu cầu về phòng, chống dịch bệnh, an toàn thực phẩm

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.