Khó xử hình sự 'đinh tặc' vì luật không sát thực tế?

23/12/2018 08:30 GMT+7

Một số tòa án đưa 'đinh tặc' ra xét xử về tội 'cố ý làm hư hỏng tài sản'. Tuy nhiên, theo nhiều luật sư, các quy định về xử lý hành vi này hiện chưa đủ sức răn đe, thậm chí còn đang 'tự trói tay mình'.

Tình trạng cố ý rải đinh trên đường tiềm ẩn nguy cơ tai nạn, thậm chí chết người nếu xe đang chạy với tốc độ cao cán phải đinh dẫn tới mất lái... Thế nhưng, quy định xử lý hành vi này, theo nhiều chuyên gia pháp luật, lại chưa đủ sức răn đe.
Vụ rải đinh mới nhất được phát hiện xảy ra trên cầu Tân Vũ - Cát Hải, thuộc tuyến cầu - đường ô tô Tân Vũ - Lạch Huyện (nối Q.Hải An với đảo Cát Hải, H.Cát Hải, TP.Hải Phòng).
Cụ thể, trong 2 ngày 19 và 20.11, Xí nghiệp Quản lý bảo dưỡng cầu - đường ô tô Tân Vũ - Lạch Huyện đã phát hiện và thu gom khoảng 2 kg đinh sắt loại 5 cm nằm rải rác trên mặt cầu từ trụ T25 - T75 khiến 2 xe máy bị thủng lốp. Đến chiều 24.11, đơn vị quản lý tiếp tục phát hiện khoảng 1 kg đinh sắt loại 5 cm còn mới nằm rải rác trên cầu từ trụ T50 - T76 và cũng khiến 2 xe máy thủng lốp. Trong các ngày 1 - 4.12, đơn vị này lại phát hiện khoảng 0,7 kg đinh sắt loại 3 cm và 5 cm. Vụ việc được báo tới cơ quan công an để điều tra xử lý.
Xe vệ sinh và hút đinh trên cầu Tân Vũ - Cát Hải Ảnh: Lê Tân
Xe vệ sinh và hút đinh trên cầu Tân Vũ - Cát Hải Ảnh: Lê Tân
Chiều 21.12, đại tá Lê Hồng Thắng, Trưởng phòng Cảnh sát hình sự Công an TP.Hải Phòng, cho biết đã triệu tập Lê Trung Hiếu (20 tuổi, ngụ thôn Minh Thắng, xã Nghĩa Lộ, H.Cát Hải, TP.Hải Phòng) để làm rõ hành vi rải đinh trên cầu - đường ô tô Tân Vũ - Lạch Huyện.
Tại cơ quan công an, Hiếu khai từ đầu năm 2018 mở quán sửa xe máy ở khu vực chân cầu - đường ô tô Tân Vũ - Lạch Huyện (phía đảo Cát Hải) nên nảy sinh ý định rải đinh để xe đi qua bị đâm thủng lốp sẽ phải vào quán của Hiếu sửa chữa. Từ khi rải đinh đến lúc bị triệu tập, Hiếu đã sửa được 6 xe máy bị đinh cắm vào lốp, thu 20.000 đồng/lần vá săm và 90.000 đồng/lần thay săm. Hiện Lê Trung Hiếu đã được bàn giao để Công an H.Cát Hải tiếp tục điều tra, xử lý.
Dư luận muốn xử nghiêm
Cầu Tân Vũ - Cát Hải là cầu vượt biển dài nhất Việt Nam, thuộc dự án đường ô tô Tân Vũ - Lạch Huyện có tổng chiều dài 15,63 km, trong đó riêng cầu dài 5,443 km. Với tốc độ lưu thông cho phép 70 km/giờ, nguy cơ tai nạn nghiêm trọng khi xe cán đinh là rất cao. Vì vậy, thông tin cầu bị rải đinh khiến dư luận bức xúc, yêu cầu xử nghiêm người gây ra hành vi này.
Bình luận về thông tin Triệu tập chủ hiệu sửa xe rải đinh trên cầu - đường vượt biển dài nhất VN trên thanhnien.vn, hầu hết bạn đọc đều yêu cầu khởi tố vụ án, khởi tố bị can để xử lý nghiêm hành vi của Lê Trung Hiếu.
“Đây là hành vi giết người! Phải khởi tố vụ án, bắt tạm giam bị can để răn đe những kẻ khác”, bạn đọc duongtuan (Hà Nội) bức xúc. Đồng quan điểm, bạn đọc Lại Quang Tấn (TP.HCM) cho rằng phải truy tố người rải đinh theo “Tội cố ý gây chết người. Vì bản thân người phạm tội hiểu rõ nạn nhân cán đinh sẽ bị té ngã gây chết người”.
Trong khi đó, bạn đọc Nguyễn Văn Châu (Hà Nội) phân tích: “Pháp luật cần nghiêm trị những kẻ cố ý rải đinh trên cầu đường. Đây là hành vi không chỉ gây tổn hại kinh tế mà còn gây nguy hiểm đến tính mạng của những người đi xe máy, ô tô qua đoạn đường này”.

“Luật đang tự trói tay mình”

Theo tìm hiểu của PV Thanh Niên, tại các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai…, một số tòa án đã đưa “đinh tặc” ra xét xử về tội “cố ý làm hư hỏng tài sản”. Tuy nhiên, theo nhiều luật sư, các quy định về xử lý hành vi này hiện chưa đủ sức răn đe, thậm chí còn đang “tự trói tay mình”.
Tiến sĩ Phan Anh Tuấn (giảng viên Đại học Luật TP.HCM) cho biết những năm 2011 - 2014 dù “đinh tặc” liên tục xuất hiện, gây bức xúc trong xã hội nhưng các cơ quan tiến hành tố tụng khó xử lý hình sự, vì bộ luật Hình sự chưa quy định về hành vi này. Vì vậy, các cơ quan tiến hành tố tụng xử lý cá nhân vi phạm vào tội “cố ý làm hư hỏng tài sản”, với yếu tố cấu thành tội phạm “gây thiệt hại từ 2 triệu đồng đến dưới 50 triệu đồng hoặc dưới 2 triệu đồng nhưng gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm”.
Lê Trung Hiếu tại cơ quan điều tra
Lê Trung Hiếu tại cơ quan điều tra ẢNH: LÊ TÂN
Nhận thấy “lỗ hổng” trên, bộ luật Hình sự năm 2015 đã sửa đổi, bổ sung hành vi rải đinh vào điều 261 quy định về tội “cản trở giao thông đường bộ”.
Theo đó, người nào đặt, để, đổ... vật sắc nhọn gây cản trở giao thông đường bộ làm chết người, gây thương tích, gây tổn hại cho sức khỏe của người khác hoặc gây thiệt hại về tài sản từ 100 triệu đồng trở lên thì bị xử lý hình sự.
Đinh thu được trên cầu Tân Vũ - Cát Hải
Đinh thu được trên cầu Tân Vũ - Cát Hải
Tuy nhiên, tiến sĩ Phan Anh Tuấn phân tích: “Hậu quả là dấu hiệu bắt buộc của cấu thành tội phạm này. Nếu hành vi đặt, rải đinh cản trở giao thông đường bộ chưa gây ra thiệt hại cho tính mạng hoặc gây thiệt hại nghiêm trọng cho sức khỏe, tài sản của người khác thì chưa cấu thành tội phạm, trừ trường hợp quy định tại khoản 4 của điều luật: rải đinh có khả năng thực tế dẫn đến hậu quả làm chết 3 người trở lên; gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 3 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 201% trở lên; gây thiệt hại về tài sản 1,5 tỉ đồng trở lên nếu không được ngăn chặn kịp thời, thì bị phạt tiền từ 5 triệu - 20 triệu đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 1 năm. Nếu dựa theo quy định tại điều 261 thì rất khó trường hợp “đinh tặc” nào có thể bị xử lý hình sự”.
Đồng quan điểm, luật sư Bùi Đình Ứng (Đoàn luật sư TP.Hà Nội) cho rằng việc cụ thể hóa hành vi rải đinh trong bộ luật Hình sự 2015 là các nhà làm luật mong muốn xử lý nghiêm hành vi này.
“Tuy nhiên, quy định cụ thể trong điều 261 là chúng ta đang tự trói tay mình, khi đặt ra những hậu quả khó chứng minh, không sát với thực tế. Vì vậy, mục đích xử lý nghiêm tội phạm này, cụ thể là đạt đến mục đích truy cứu trách nhiệm hình sự để răn đe, ngăn ngừa tội phạm đã không đạt được”, luật sư Ứng đánh giá và mong muốn: “Hy vọng qua thực tế về tính nguy hiểm của hành vi và khó khăn áp dụng điều luật trong thực tiễn, các cơ quan liên quan sẽ kiến nghị Quốc hội sửa đổi điều luật theo hướng giảm hậu quả thiệt hại về tài sản xuống hoặc có quy định rằng “nếu đã bị xử phạt hành chính nhưng tiếp tục tái phạm” thì sẽ bị xử lý hình sự, để điều luật có thể áp dụng trong thực tiễn”.
Về xử phạt hành chính “đinh tặc”, luật sư Bùi Quốc Tuấn (Đoàn luật sư TP.HCM) cho biết khoản 6 điều 11 Nghị định 46/2016 của Chính phủ (có hiệu lực thi hành từ 1.8.2016) quy định mức phạt tiền từ 6 - 8 triệu đồng đối với hành vi ném đinh, rải đinh hoặc vật sắc nhọn khác trên đường bộ. Ngoài việc áp dụng hình thức xử phạt, điều luật cũng quy định cá nhân, tổ chức thực hiện hành vi vi phạm còn bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả là thu dọn đinh, vật sắc nhọn và khôi phục lại tình trạng ban đầu.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.