Khoa học chỉ ra cách đo huyết áp đúng mà hàng triệu người đang làm sai

Thiên Lan
Thiên Lan
10/08/2022 00:08 GMT+7

Đó là nên đo huyết áp cả 2 tay!

Các chuyên gia cho biết phương pháp hiện tại chỉ đo huyết áp 1 tay đã bỏ sót hàng triệu người mắc căn bệnh chết người này, theo nhật báo Anh Daily Mail.

Các nhà khoa học nói rằng các chỉ số huyết áp nên được thực hiện từ cả 2 cánh tay thay vì đo 1 tay

Shutterstock

Huyết áp cao có thể gây ra đau tim và đột quỵ, 2 trong số những kẻ giết người lớn nhất thế giới.

Và việc đo huyết áp cả 2 tay đã phát hiện thêm 12% trường hợp huyết áp cao đã bị bỏ sót do đo 1 tay.

Nghiên cứu mới, được công bố trên tạp chí y khoa của Hiệp hội Tim mạch Mỹ Hypertension, đã phân tích sự khác biệt giữa việc đo huyết áp 2 tay, so với chỉ đo 1 tay.

Nghiên cứu, do tiến sĩ Christopher Clark, bác sĩ tại Đại học Exeter ở Devon (Anh), dẫn đầu, đã phân tích dữ liệu từ 53.172 người tham gia.

Tất cả các tình nguyện viên được đo huyết áp cả 2 tay, thay vì chỉ đo 1 tay.

Huyết áp 2 tay lệch trung bình 6,6mmHg

Kết quả, các nhà nghiên cứu đã phát hiện ra có sự chênh lệch trung bình là 6,6mmHg trong huyết áp tâm thu giữa 2 tay, theo Daily Mail.

Chỉ số huyết áp bao gồm huyết áp tâm thu và huyết áp tâm trương. Huyết áp tâm thu là chỉ số ở trên - phản ánh lực của tim khi bơm máu đi khắp cơ thể. Và huyết áp tâm trương là chỉ số ở dưới - đo áp suất khi tim nghỉ giữa các nhịp đập.

Khi tiến hành đo cả 2 tay, có đến 12% trường hợp đã được chuyển từ nhóm huyết áp bình thường sang nhóm mắc bệnh huyết áp cao - nghĩa là huyết áp trên 140mmHg

Shutterstock

Nếu 1 trong 2 số này quá cao, đều có thể gây căng thẳng cho các động mạch và các cơ quan chính.

Tuy nhiên, các bác sĩ thường quan tâm nhiều hơn đến số chỉ số tâm thu ở trên.

Phát hiện thêm 12% trường hợp huyết áp cao bị bỏ sót do đo 1 tay

Khi tiến hành đo cả 2 tay, gần 6.500 người tham gia - tương đương hơn 12%, đã được chuyển từ nhóm huyết áp bình thường sang nhóm mắc bệnh huyết áp cao - nghĩa là huyết áp trên 140mmHg.

Sự khác biệt huyết áp giữa 2 tay có thể do các động mạch bị tắc nghẽn.

Tiến sĩ Clark cho biết: Huyết áp cao là vấn đề toàn cầu và việc quản lý kém có thể gây tử vong.

Việc không đo cả 2 tay sẽ dẫn đến không chỉ chẩn đoán sai và điều trị sai bệnh, mà còn đánh giá thấp các nguy cơ đối với hàng triệu người trên toàn thế giới.

Không thể nói chính xác nên đo huyết áp ở tay nào, vì một số người có số đo ở tay trái cao hơn tay phải và một số người thì ngược lại.

Do đó, điều quan trọng là phải kiểm tra cả 2 tay, ông nhấn mạnh, theo Daily Mail.

Ông nói thêm: Phát hiện chính xác huyết áp cao là bước quan trọng để đưa ra đúng phương pháp điều trị cho đúng người.

Mặc dù các hướng dẫn quốc tế khuyên nên đo huyết áp cả 2 tay, phương pháp này hiện không được áp dụng rộng rãi tại các phòng khám.

Các chuyên gia cho biết chỉ có khoảng một nửa số bác sĩ đo huyết áp 2 tay, thường là do thời gian hạn chế hoặc công việc bận rộn.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.