Có thể còn nhiều kỳ vọng, nhưng ngày hội khoa học và đời sống vừa diễn ra vào chủ nhật 1-4 đã hé mở một sân chơi khoa học vui mà không kém phần sáng tạo cho tuổi nhỏ TP.HCM.
|
Bằng việc ứng dụng các kiến thức cơ bản trong học đường, khoa học dưới góc nhìn trẻ thơ không chỉ đa dạng mà còn bám sát chủ đề “An toàn trong cuộc sống” như tiêu chí ngày hội đặt ra.
Khoa học không khó
Với yêu cầu tạo ra mô hình chuyển động liên hoàn sao cho kết quả cuối cùng kéo được lá cờ Tổ quốc lên đỉnh cột cờ, các đội dự thi đã trình làng nhiều ý tưởng thú vị. Bạn Vương Thái n (Trường THCS Lê Quý Đôn, Q.3) chia sẻ: “Tụi em chọn thiết kế mô hình nhỏ, các thao tác nhanh gọn nhưng vẫn đủ các công đoạn”. Mà đúng vậy, đây cũng là mô hình chiếm diện tích nhỏ nhất trên sân đấu khi cả mô hình chưa đến... 1m².
Bằng việc áp dụng nguyên lý về mặt phẳng nghiêng, ròng rọc, mạch điện, thủy lực... trong vật lý, sử dụng hóa chất trong hóa học, những sáng tạo học trò đã làm nhiều người lớn bất ngờ. Trường THCS Tân Túc (Bình Chánh) đã dùng phản ứng hóa học để tạo ra lửa khởi động mô hình, trong khi Trường THCS Tân Phú Trung (Củ Chi) dùng mạch điện làm chuyển động ròng rọc kéo cờ lên đỉnh.
Hay như đội tuyển THCS Võ Trường Toản (Q.1) dùng viên thuốc sủi để tạo thành thủy lực đẩy piston, vận dụng nguyên tắc bình thông nhau để tạo sự chuyển động liên hoàn cho mô hình của mình. Nhiều đội còn dùng cả... bẫy chuột vào thiết kế, tạo sức bật trong một số công đoạn của mô hình.
Đặc biệt, mô hình của Trường THCS Lê Văn Việt (Q.Thủ Đức) được ban giám khảo đánh giá cao nhất khi biết dùng thêm sức nước để vận hành và gắn với câu chuyện biển đảo rất thời sự hiện nay.
Bạn Ngô Hoàng Dũng (Trường THCS Lê Văn Việt) giải thích: “Đưa mô hình đảo Trường Sa vào thiết kế của đội vì chúng em nghĩ ngay cả khoa học vui cũng cần nhắc nhở các bạn nhớ về phần lãnh thổ thiêng liêng của đất nước”. Thành viên ban giám khảo-TS Đinh Sơn Thạch (ĐH Khoa học tự nhiên TP.HCM) - nhận xét: “Việc dùng sức nước vào thiết kế là một ý tưởng khá độc đáo. Điều đó cho thấy các em đã biết vận dụng kiến thức đã học trong từng trường hợp cụ thể”.
Mở rộng sân chơi
Lấy câu chuyện thực tế về một bạn học sinh cùng lớp mắc chứng tự kỷ, đội tuyển Trường THCS Hoàng Hoa Thám (Q.Tân Bình) thực hiện clip 5 phút về sự thay đổi tích cực của người bạn này khi được tham gia vào nhiều hoạt động chung để dự thi phần video clip. Các bạn cũng rất khéo léo khi lồng ghép câu chuyện về môi trường học tập thân thiện vào đó.
Còn các bạn Trường THCS Văn Lang (Q.5) lại chọn phản ánh trung thực tình trạng học sinh đi xe phân khối lớn, phụ huynh đón con tràn ra đường và phỏng vấn ý kiến người dân để bàn về câu chuyện an toàn, văn hóa giao thông cho clip của mình. Mỗi clip chuyển tải góc nhìn hồn nhiên nhưng rất thực tế về an toàn giao thông, cuộc sống quanh ta, trường học thân thiện.
Ngày hội còn mở rộng với phần thi vẽ tranh, diễu hành tuyên truyền an toàn giao thông, sân chơi vận động khoa học vui. Các bạn cũng khá vất vả với phần thi kiến thức tổng hợp khi thử thách đặt ra trên nhiều lĩnh vực: văn hóa, xã hội, Luật giao thông đường bộ, tìm hiểu về Đoàn...
Cả ngàn học sinh THCS của TP đã tìm về ngày hội vốn rất được chờ đợi mỗi năm. Bạn Mỹ An (Q.Tân Bình) tiếc rẻ: “Những ngày hội thế này nên được tổ chức nhiều hơn vì tụi em học thêm được nhiều điều.
Mà không chỉ khoa học, nên mở rộng nhiều lĩnh vực khác nữa để thiếu nhi TP có thêm sân chơi thực tế chứ không chỉ là học và học”. TS Đinh Sơn Thạch phát biểu: “Dù còn nhiều cái cần góp ý để các bạn lưu ý hơn đến an toàn trong từng thiết kế đúng như chủ đề ngày hội, nhưng điều đáng quý chính là bàn tay của người lớn đã ít đi trong các sáng tạo học trò”.
Từ “Chim gõ kiến” đến ngày hội “Khoa học và đời sống” Ngày hội “Khoa học và đời sống” do Hội đồng Đội TP.HCM và Nhà Thiếu nhi TP tổ chức định kỳ hằng năm, nhằm tạo sân chơi khoa học cho lứa tuổi học sinh THCS toàn TP. Để đến với sân chơi này, các đội tuyển phải vô địch cuộc thi cấp quận, huyện. Năm nay 24 đội tuyển đến từ các trường THCS của các quận, huyện toàn TP cùng tranh tài. Kết quả, đội tuyển Trường THCS Lạc Hồng (Q.10) và THCS Hoa Lư (Q.9) cùng xuất sắc giành chức vô địch. Ngày hội là bước chuyển tiếp của cuộc thi “Chim gõ kiến” được tổ chức nhiều năm trước đó. Nếu “Chim gõ kiến” chủ yếu xoay quanh kiến thức khoa học vui thì ngày hội “Khoa học và đời sống” ngoài kiến thức khoa học còn giúp các bạn nhỏ tìm hiểu các kiến thức tổng hợp trong đời sống, văn hóa, xã hội... |
Theo Tuổi Trẻ
Bình luận (0)