Gần đây, mạng xã hội nảy lên tranh cãi về khóa học "rèn nam tính cho con trai" được cho là của tiến sĩ V.T.H, chuyên gia giáo dục độc lập tự xưng tại Hà Nội. Trong bài viết, tiến sĩ H. cho hay bé trai có một số đặc điểm nhất định như hay khóc, thích chơi với bạn gái... dễ dẫn đến lệch lạc về giới tính. Vì thế, phụ huynh cần có những phương pháp giáo dục về gu thời trang, cách giao tiếp, ứng xử... cho con trai, theo vị này.
Trong áp phích quảng cáo, tiến sĩ H. nói thêm nội dung khóa học gồm sự phát triển giới tính ở tuổi dậy thì, tình yêu và các vấn đề về quan hệ tình dục, quy tắc phòng chống xâm hại. Riêng câu chuyện đồng giới được bà H. đặt cạnh vấn đề sử dụng các chất cấm như cần sa, bóng cười, thuốc lá điện tử... Bài viết nhanh chóng thu hút hàng nghìn lượt tương tác trước khi bị xóa, phần lớn đều bày tỏ phản đối và bức xúc.
Vì sao phản khoa học?
Đánh giá về khóa "rèn nam tính cho con trai", tiến sĩ giáo dục học Lê Nguyễn Hoàng Giang, giảng viên chương trình sau ĐH và thạc sĩ về giáo dục tại ĐH Thompson Rivers (Canada) - nghiên cứu sinh sau tiến sĩ tại ĐH British Columbia (Canada), cho biết đây đều là những quan điểm phản khoa học về giới và tính dục nhằm "đánh" vào nhóm yếu thế trong xã hội là cộng đồng LGBTIQ+.
Theo chị Giang, khác biệt cốt lõi giữa các khái niệm giới (gender), giới tính (sex) và tính dục (sexuality) đang bị nhiều người hiểu sai. "Giới được cấu thành, định hình và liên tục biến đổi theo thời gian, không gian bởi bối cảnh xã hội, văn hóa, chính trị. Giới như một định tính bản dạng xã hội và sự thay đổi của nó đã được bàn quá nhiều bởi các học giả như Judith Butler, Mitchel Foucault... Giới là một sự thể hiện và thậm chí có tính trình diễn nên không cần rèn giũa", nữ tiến sĩ khẳng định.
Sự đa dạng, biến đổi cũng là đặc điểm của giới tính và tính dục, chị Giang nhìn nhận. Chẳng hạn, sự nam tính thống trị gồm các biểu hiện như mạnh mẽ, "đô con", không yếu đuối... chỉ là một trong nhiều loại thể hiện giới tính đã được các nhà khoa học nghiên cứu. Chỉ khi thiếu hiểu biết, người ta mới biến nó thành nam tính độc hại. "Vì thế, không có giới, giới tính hay tính dục nào là trái tự nhiên và tất cả đều cần được tôn trọng", chuyên gia cho hay.
Tiến sĩ Giang lưu ý thêm, "rất đáng sợ" nếu áp đặt khuôn mẫu về giới vào đối tượng trẻ em, đồng thời khuyến cáo những quan niệm áp đặt giới chúng ta đang có là do chính chúng ta tạo nên qua quá trình phát triển tư duy và thực hành xã hội, văn hóa. "Trẻ em nên được trao quyền để khám phá bản thân, bao gồm sự thể hiện bản dạng giới. Đó là sự công bằng và cũng là quyền con người", chị Giang nêu quan điểm.
Chuyên gia giáo dục mở khóa học 'rèn nam tính cho con trai' gây tranh cãi
Nam tính, nữ tính đều tồn tại trong mỗi người
Thạc sĩ Quang Thị Mộng Chi, giảng viên khoa Tâm lý học, Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM, phân tích sự nam tính, nữ tính hiện nay được hiểu phổ biến là những kỳ vọng của xã hội trong việc thể hiện hành vi, tính cách của một người phù hợp với giới tính sinh học của họ. "Trải qua lịch sử lâu đời, xã hội đã đặt ra nhiều chuẩn mực theo giới tính để mỗi giới tuân theo, để cảm thấy mình thuộc về một môi trường nhất định", cô Chi chia sẻ.
Chẳng hạn, với nam tính, đó có thể là mạnh mẽ, kiềm nén cảm xúc, giải quyết vấn đề bằng vũ lực, còn ở nữ tính là nhẹ nhàng, thùy mị, biết cách chăm sóc. "Khuôn mẫu nữ tính được cho là trái ngược khuôn mẫu nam tính, nhằm tôn lên sự nam tính của đàn ông và giữ phụ nữ ở chỗ của mình", cô Chi lý giải, đồng thời cảnh báo khi đi ngược lại chuẩn mực, cả hai giới có nguy cơ đối mặt với xung đột vai trò giới tính, ảnh hưởng tiêu cực đến sự an toàn về sức khỏe, thậm chí là tính mạng.
Tóm lại, chuyên gia nhìn nhận khuôn mẫu nam tính, nữ tính đã trở thành những định kiến trói buộc con người phải tuân theo, ngày nay thường được nhận dạng là nam tính/nữ tính độc hại. "Những chuẩn mực xã hội nên là điều mang lại cuộc sống thoải mái, hạnh phúc hơn. Khi cả nam, nữ đều là nạn nhân của khuôn mẫu giới và cần được cởi trói, thì hãy để họ tự do là chính mình, một cách tự nhiên nhất, phát triển tốt nhất tiềm năng, bản tính con người họ", cô Chi nêu quan điểm.
Mặt khác, dưới góc độ khoa học, thạc sĩ Chi cho hay nam tính, nữ tính là những đặc điểm độc lập, có thể tồn tại tách biệt nhau trong mỗi người. Điều đó đồng nghĩa chúng ta luôn có cả phần nam tính và phần nữ tính với tỷ lệ ít nhiều. "Là nam hay nữ không quyết định việc chúng ta có nam tính hay nữ tính như thế nào. Điều này có thể lý giải việc một cô gái có thể nam tính hơn một chàng trai, hoặc ngược lại và điều này làm nên sự đa dạng về giới tính trong xã hội", cô Chi đúc kết.
Cách giáo dục con trưởng thành hạnh phúc
Để đảm bảo trẻ được trưởng thành trong một môi trường hạnh phúc, đặc biệt có nhận thức đúng đắn về giới tính, theo thạc sĩ Mộng Chi, phụ huynh và nhà trường ngoài việc cung cấp kiến thức khoa học thông qua tài liệu, các buổi nói chuyện chuyên đề... thì còn phải hiểu và cho phép trẻ có môi trường, cơ hội để khám phá bản thân, thể hiện các khía cạnh giới tính mà không bị ràng buộc bởi định kiến.
Trước thắc mắc của một số phụ huynh rằng làm sao để con trai mạnh mẽ hơn, thạc sĩ Chi lưu ý ba mẹ nên có góc nhìn đa chiều về những phẩm chất kỳ vọng ở con. Chẳng hạn, để mạnh mẽ, phụ huynh có thể dạy con trở thành một người dám chịu trách nhiệm, dám đương đầu thử thách, sẵn sàng bảo vệ lẽ phải, giúp đỡ người yếu thế... chứ không chỉ chú trọng sức mạnh cơ bắp. Và quan trọng nhất, dù mạnh mẽ hay dịu dàng, ân cần, đây đều là những giá trị sống tích cực cần có ở cả nam và nữ.
"Để làm được điều này, người lớn cần làm gương cho con, cho con tiếp xúc với những người và môi trường tương ứng, chỉ con cách làm và cho con tự làm. Song song đó, ủng hộ con bằng tinh thần và giúp sức khi con cần, khen ngợi khi con làm tốt, định hướng cho con khi trẻ đang không biết đi đường nào, bên cạnh an ủi và khích lệ khi con thất bại, buồn bã,...", cô Chi khuyên.
Tiến sĩ Hoàng Giang thì cho rằng cần có sự thay đổi từ 3 bên trong quá trình giáo dục giới tính cho trẻ. Thứ nhất, cha mẹ cần cởi mở hơn trong việc tiếp cận thông tin về sự đa dạng bản dạng và thể hiện giới qua các kênh thông tin khoa học đúng đắn. "Thông tin sẽ chỉ trở thành kiến thức khi cha mẹ thực sự cởi mở tìm hiểu và biết áp dụng vào trường hợp của mình với sự đồng hành của chuyên gia đúng lĩnh vực cũng như con cái", chị Giang lưu ý,
Thứ hai, cần có các nhóm cha mẹ có con cái thuộc LGBTIQ+ để cùng đồng hành, hỗ trợ các bạn trẻ trong cộng đồng.
"Cuối cùng, Bộ GD-ĐT nên tìm kiếm, tham khảo cố vấn chuyên môn từ các chuyên gia trong việc đưa các kiến thức sơ đẳng về giới và tính dục vào chương trình học ở bậc THCS, THPT như bước đầu để nâng cao ý thức đa dạng giới ở bậc đào tạo phù hợp, đồng thời góp phần bài trừ các nguồn thông tin sai, phản khoa học", chị Giang đề xuất.
Bổ sung thêm, thạc sĩ Nguyễn Tú Anh, chuyên ngành tâm lý trẻ em và thanh thiếu niên, nhà sáng lập dự án Happy Parenting (Làm cha mẹ hạnh phúc), dẫn chứng rằng dù vô tình hay cố ý, không ít cha mẹ có xu hướng chọn màu sắc của đồ dùng theo giới tính của con như hồng cho bé gái, xanh cho bé trai. Đến khi trẻ bắt đầu nhận thức, thành viên trong gia đình, đặc biệt là người lớn tuổi, thường nói những câu như, "con trai ai lại mặc màu hồng", "con gái thì phải chơi búp bê".
"Điều này tạo ra những khuôn mẫu về giới và vai trò giới nhằm định hướng lựa chọn cá nhân của trẻ cho 'đúng' với thiên kiến của xã hội về sự khác biệt giới tính", chị Tú Anh cho hay, đồng thời lưu ý, khuôn mẫu về giới sẽ ngăn con được làm chính mình, vô tình giới hạn lựa chọn của con và là tiền đề của sự phân biệt đối xử và bất bình đẳng giới.
Song song đó, ngoài giáo dục giới tính, tình yêu và các mối quan hệ tình cảm, thạc sĩ Tú Anh chia sẻ thêm có 9 kỹ năng cuộc sống khác mà một đứa trẻ cần có, đó là kỹ năng xã hội; kỹ năng giao tiếp hiệu quả và biết quản lý mâu thuẫn; lòng nhân ái, sự thấu cảm; kỹ năng giải quyết vấn đề; tự chăm sóc bản thân; tác phong ăn uống văn minh, lịch sự; sử dụng công nghệ an toàn và văn minh; kiến thức về tài chính và kỹ năng lao động; kỹ năng trở thành người tiêu dùng có hiểu biết.
Bình luận (0)