Bạn tôi ở quê gọi điện bảo: “Ông đợi ở nhà, tôi vào gửi vợ chồng cặp khoai mài ăn cho vui”. Y hẹn, bạn tôi tới nhà trên chiếc xe máy lấm lem bùn đất, sau xe đèo một bọc khoai mài.
Khoai mài Phú Yên - Ảnh: M.M.Tâm
|
Có nhiều cách trồng để cho khoai to củ, đào hào sâu trên đầu gối rồi ủ phân bò với rơm rạ, lá mía khô lấp đầy để vun ụ trồng. Nhưng cách phổ biến nhất là chọn một mảnh đất xốp, mịn cát phù sa đánh luống rồi phủ lên mặt đất một lớp rơm rạ, lá mía khô ủ với phân bò, lấy đất đào hai bên vun lên thành giồng mà trồng. Những củ khoai cắt ra từng đoạn, dài khoảng một tấc, chẻ đôi; mặt khoai bị chẻ xát vào tro bếp để tránh kiến đục, rồi trồng cách mặt đất gang tay, hàng cách hàng chừng thước mộc.
Khi những miếng khoai giống đã nằm yên trên đất giồng, dùng những ngọn cây cắm đánh dấu để tiện tưới nước và kiểm tra để biết những lát khoai giống bị hỏng thối. Khi khoai đã lên mầm dài chừng sải tay, phải chuẩn bị những cây dài trên 2 m gọi là chái khoai, cắm chéo hai bên giồng khoai. Nhọc công nhất, những năm nắng hạn kéo dài, khi khoai đã nằm dưới đất, phải cất công gánh nước tưới giữ đủ độ ẩm để khoai giống nảy mầm và phát triển cho tới khi khoai đón những cơn mưa đầu thu.
Chính vụ thu hoạch khoai mài thường là giữa tháng chạp. Đào khoai phải dùng những chiếc xuổng và mai. Theo từng cuống khoai, dùng xuổng xắn từng lớp đất cho khéo, đừng để củ rách da. Từng củ khoai đen trụi được “cất” lên bờ, khoai củ to độ bắp chân, dài cả thước mộc, trụi lông là được mùa khoai. Củ nhỏ bằng cổ tay đầy lông, nhăn nhúm không thẳng da là khoai mất mùa.
Khoai mài dành để nấu canh vào dịp giỗ, tết. Dân quê tôi thường nấu canh với xương heo hầm rục để tẩm bổ hoặc dành làm cơm đãi khách quý. Nhưng ngon và bổ khỏe nhất là khoai mài nấu canh với cá trê nêm lá gừng.
Bình luận (0)