Tại miền Bắc, một số điều tra, nghiên cứu cho thấy, khoảng 20% học sinh nhiễm giun. Tuy nhiên, một số địa phương, tỷ lệ nhiễm này còn ở mức báo động. Điều tra mới nhất (tháng 9.2019) về nhiễm giun (giun đũa, giun tóc, giun móc) trong học sinh tiểu học tại Quảng Ninh, tỷ lệ nhiễm chung là 2,36% trong số 552 mẫu xét nghiệm. Tại Hà Giang, tỷ lệ này lên đến 84%, trong số 2.026 mẫu xét nghiệm.
Giun truyền qua đất được truyền qua trứng có trong phân của người bị nhiễm bệnh. Giun trưởng thành sinh sống trong ruột người, chúng có thể đẻ hàng nghìn trứng mỗi ngày. Ở những khu vực tình trạng vệ sinh kém, trứng giun ô nhiễm trong đất. Có một số nguyên nhân gây nhiễm giun như: trứng bám vào rau quả được đưa vào đường tiêu hóa khi con người ăn rau quả không được rửa sạch và nấu chín kỹ; trứng xâm nhập vào đường tiêu hóa từ các nguồn nước bị ô nhiễm; trẻ em bị nhiễm bệnh khi chơi ở nơi đất bị nhiễm trứng giun và sau đó cho tay vào miệng mà không rửa sạch.
Khi vào cơ thể người, giun làm suy giảm tình trạng dinh dưỡng của những người bị nhiễm bệnh. Trong cơ thể, giun hấp thụ máu, gây mất sắt và protein; làm giảm hấp thụ dinh dưỡng. Ngoài ra, giun đũa có khả năng lấy vitamin A ở ruột. Một số giun truyền qua đất cũng gây biếng ăn ảnh hưởng xấu đến thể chất. Đặc biệt, giun tóc T.trichiura có thể gây ra tiêu chảy và bệnh lỵ. Nhiễm giun có thể gây suy dinh dưỡng ở trẻ nhỏ. Để phòng bệnh do nhiễm giun, trẻ nhỏ nên được tẩy giun 2 lần một năm. Thực hành vệ sinh cá nhân tốt, ăn uống hợp vệ sinh để tránh nhiễm giun. Tẩy giun định kỳ có thể dễ dàng kết hợp với các chương trình bổ sung vi chất và dinh dưỡng cho trẻ em mẫu giáo, hoặc lồng ghép với các chương trình y tế học đường.
Bình luận (0)