Khoảng 30% thí sinh đã điều chỉnh nguyện vọng đăng ký xét tuyển đại học

Quý Hiên
Quý Hiên
01/09/2021 17:12 GMT+7

Theo đại diện Bộ GD-ĐT, chỉ cần thay đổi 0,01 điểm cũng có thể làm thí sinh đỗ hoặc trượt từ nguyện vọng này sang nguyện vọng khác. Thí sinh không nên điều chỉnh khu vực ưu tiên , đối tượng ưu tiên nếu không đủ minh chứng.

Số lượng thí sinh gặp “trục trặc” giảm nhiều so với năm ngoái

Hôm nay (1.9) là ngày thứ 4 của đợt điều chỉnh nguyện vọng đăng ký xét tuyển. Theo Bộ GD-ĐT, đến 15 giờ chiều nay, đã có 236.375 thí sinh điều chỉnh nguyện vọng đăng ký xét tuyển, chiếm tỉ lệ 29,72% so với tổng số thí sinh đăng ký xét tuyển theo phương thức sử dụng kết quả thi tốt nghiệp THPT 2021 (795.353 em).
Các địa phương có số lượng thí sinh điều chỉnh nguyện vọng nhiều là Sở GD-ĐT TP.HCM với 26.763 em, chiếm tỷ lệ 31,7%. Tiếp theo là Sở GD-ĐT Hà Nội với 30.339 em, chiếm tỷ lệ 34,73%.
Bà Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học, Bộ GD-ĐT, cho biết để hỗ trợ các em tốt nhất trong việc điều chỉnh nguyện vọng đăng ký xét tuyển, Bộ GD-ĐT đã gửi văn bản hướng dẫn, đăng tải tài liệu hướng dẫn điều chỉnh nguyện vọng đăng ký xét tuyển tại cổng thông tin tuyển sinh của Bộ (tại đường link thituyensinh.vn).
Bộ GD-ĐT cũng đã gửi clip hướng dẫn điều chỉnh nguyện vọng cho thí sinh và tài liệu để hướng dẫn tuyển sinh cho các sở GD-ĐT (để chỉ đạo các điểm tiếp nhận triển khai hướng dẫn đến thí sinh), các trường ĐH, CĐ có đào tạo ngành giáo dục mầm non để phối hợp hướng dẫn thí sinh (nếu cần).
Cùng với các sở GD-ĐT, các trường phổ thông, các cơ sở đào tạo, một số báo đài và cơ quan báo chí, trong đó có báo Thanh Niên, đã cùng đồng hành và hướng dẫn thí sinh để lan tỏa thông tin, giải đáp thắc mắc, tư vấn thí sinh chọn ngành, nghề phù hợp với kết quả thi THPT năm 2021 của thí sinh.
Các điểm tiếp nhận mở phòng máy có kết nối internet hỗ trợ để thí sinh điều chỉnh nguyện vọng đăng ký xét tuyển. Đặc biệt, đối với các địa bàn phải giãn cách xã hội do dịch bệnh, các địa phương xây dựng phương án hỗ trợ thí sinh ở các khu vực khó khăn về công nghệ thông tin và khó khăn do dịch bệnh trong việc sửa sai, điều chỉnh nguyện vọng đăng ký xét tuyển.
Theo ghi nhận từ bộ phận trực hỗ trợ tuyển sinh trong 4 ngày qua, hệ thống hoạt động ổn định. Trong năm nay, số lượng các cuộc gọi và email của thí sinh đề nghị hỗ trợ thí sinh điều chỉnh nguyện vọng giảm rất nhiều so với năm 2020. Một trong các nguyên nhân là do năm nay thí sinh được điều chỉnh nguyện vọng 3 lần trong thời gian từ ngày 29.8 đến 17 giờ ngày 5.9.

Thí sinh đã xác nhận nhập học thì không còn quyền tham gia xét tuyển

Bà Thủy cũng cho biết, sau gần 4 ngày thí sinh điều chỉnh nguyện vọng đăng ký xét tuyển, một số thí sinh gặp rắc rối phát sinh. Chẳng hạn, có một số thí sinh hiện nay muốn rút xác nhận nhập học, do đến thời điểm này mới “phát hiện” việc mình không còn được quyền tham gia xét tuyển bằng phương thức xét kết quả tốt nghiệp THPT 2021.
Bà Thủy giải thích: “Bộ GD-ĐT đã quy định đối với các thí sinh trúng tuyển bằng phương thức khác (không dùng kết quả thi THPT) đã xác nhận nhập học, nộp bản chính giấy chứng nhận kết quả thi THPT, các trường ĐH đều phải đưa danh sách những em đã xác định nhập học lên hệ thống cơ sở dữ liệu tuyển sinh chung. Do vậy, những thí sinh đã nằm trong danh sách đã xác nhận nhập học thì phần mềm chạy hệ thống sẽ tự động loại ra, không cho các em quyền tham gia xét tuyển theo phương thức sử dụng kết quả thi THPT nữa”.
Theo bà Thủy, việc này cho thấy các trường đã thực hiện đúng quy chế tuyển sinh và hướng dẫn của Bộ GD-ĐT. Việc cho phép thí sinh rút lại giấy chứng nhận kết quả thi THPT là quyền tự chủ của các trường dựa trên các điều kiện thực tế, Bộ GD-ĐT không có quyền can thiệp.
Ngoài ra, một số thí sinh tại các khu vực cách ly, giãn cách xã hội có mong muốn tăng thêm số lượng nguyện vọng đăng ký xét tuyển và (hoặc) điều chỉnh đối tượng ưu tiên. Về vấn đề này, Bộ GD-ĐT đã chỉ đạo các địa phương xây dựng phương án hỗ trợ thí sinh, thí sinh có thể liên hệ với người thân ở ngoài vùng cách ly hoặc thầy cô giáo để có thông tin chính thức phương án của các điểm tiếp nhận.

Chỉ cần thay đổi 0,01 điểm cũng có thể làm cho thí sinh đỗ hoặc trượt

Về lời khuyên dành cho thí sinh vẫn còn có thể tiếp tục việc điều chỉnh nguyện vọng đăng ký xét tuyển, bà Thủy lưu ý:
“Các em cần nghiên cứu kỹ tài liệu hướng dẫn điều chỉnh nguyện vọng đăng ký xét tuyển và các thông tin đăng ký xét tuyển của các trường để có thể đăng ký tham gia xét tuyển vào các ngành phù hợp với sở thích, sở trường, năng lực bản thân và kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT 2021.
Các em nên sắp xếp các nguyện vọng hợp lý, nguyện vọng ngành hay trường nào thích nhất thì đặt lên trước (nguyện vọng 1 là nguyện vọng có mức ưu tiên và yêu thích cao nhất của cá nhân mình).
Thí sinh cũng cần thực hiện điều chỉnh nguyện vọng đúng, đủ, làm hết quy trình, sau đó thoát khỏi hệ thống, rồi đăng nhập lại và in ra kiểm tra để đảm bảo các nguyện vọng điều chỉnh đã thực hiện được đúng như dự định.
Trước lần điều chỉnh thứ 3 (nếu có), các em cần kiểm tra kỹ nguyện vọng điều chỉnh và điều kiện ưu tiên để tránh sai sót đáng tiếc sau này.
"Như chúng ta đều biết, chỉ cần thay đổi 0,01 điểm cũng có thể làm cho thí sinh đỗ hay trượt từ nguyện vọng này sang nguyện vọng khác. Vì vậy, nếu không có đủ thông tin, minh chứng chính xác để thay đổi khu vực ưu tiên hoặc đối tượng ưu tiên, sẽ ảnh hưởng rất lớn đến kết quả tuyển sinh, và việc giải quyết các hệ quả sau này là rất phức tạp và khó khăn. Do đó, các điểm tiếp nhận cần linh hoạt giải quyết để không gây khó khăn cho thí sinh tại khu vực cách ly hay giãn cách xã hội, nhưng cũng phải đảm bảo tính chính xác của các thông tin cần thay đổi”, bà Thuỷ lưu ý.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.