Khoảng 400.000 người được miễn thuế

06/07/2012 03:13 GMT+7

Bộ Tài chính sẽ thay đổi cách quyết toán thuế thu nhập cá nhân (TNCN) trong năm nay, đảm bảo phương án có lợi nhất cho người nộp thuế khi thụ hưởng chính sách miễn giảm của Quốc hội (QH).

Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn đã khẳng định như vậy tại cuộc họp báo thường kỳ 6 tháng của Bộ Tài chính vào hôm qua (5.7).

Như Thanh Niên đã thông tin, QH đã ban hành nghị quyết về việc miễn thuế TNCN trong 6 tháng cuối năm 2012 cho các cá nhân có thu nhập tính thuế từ tiền lương, tiền công và từ kinh doanh đến mức phải chịu thuế bậc 1 của biểu thuế lũy tiến từng phần. Theo đó, nếu một cá nhân có tổng thu nhập thực tế mỗi tháng dưới 9 triệu đồng sẽ được miễn thuế TNCN.

2 cách hiểu về miễn thuế

Theo tính toán của Bộ Tài chính, có khoảng 73% người đang nộp thuế TNCN sẽ được miễn. Dự kiến có khoảng 400.000 người được miễn thuế với tổng số tiền ước tính khoảng 3.000 tỉ đồng trong vòng 6 tháng cuối năm. Tuy nhiên, hiện đang có 2 cách hiểu về miễn thuế.

Cách thứ nhất cho rằng việc miễn thuế được áp dụng từ ngày 1.7 đến 31.12 nên thu nhập chịu thuế chỉ được tính theo bình quân 6 tháng cuối năm. Cách hiểu thứ hai là theo quy định trong luật Thuế TNCN, khi quyết toán thuế được tính theo năm nên sẽ phải theo mức thu nhập trung bình của cả 12 tháng, sau đó lấy kết quả này tính riêng cho 6 tháng cuối năm, nếu có thu nhập từ 9 triệu đồng trở xuống mới được miễn thuế.

Với cách tính thứ hai, nhiều người dù trong 6 tháng cuối năm có thu nhập thực tế thấp hơn 9 triệu đồng/tháng cũng không được miễn thuế như nghị quyết của QH vì thu nhập bình quân đã trội lên do phải cộng cả các khoản, lương thưởng từ đầu năm. Thứ trưởng Tuấn thừa nhận, việc tính theo này sẽ khiến những người thời điểm thu nhập của 6 tháng đầu năm cao hơn 6 tháng cuối năm tính ra sẽ phải chịu thiệt. “Phần thiệt hơn không phải là nhiều, nhưng để chọn phương án có lợi hơn cho người dân, Bộ Tài chính sẽ hướng dẫn cách quyết toán là tính riêng một “cục” 6 tháng cuối năm và một “cục” 6 tháng đầu năm để miễn giảm sao cho người nộp thuế có lợi nhất”, ông nói.

Khoảng 400.000 người được miễn thuế
Sẽ có 400.000 người được miễn thuế bậc 1 tương đương với 3.000 tỉ đồng - Ảnh: A.Vũ

DN được định đoạt giá trong “khuôn khổ”

Ngoài vấn đề thuế TNCN, ông Đỗ Hoàng Anh Tuấn cũng trao đổi thêm với báo chí về một số nội dung xoay quanh giá điện, xăng thời gian qua. 

Nhà nước trả lại quyền định giá cho doanh nghiệp (DN) xăng dầu, trong khi Nghị định 84/NĐ-CP vẫn chưa được sửa đổi liệu có đảm bảo được tính minh bạch hay không?

Cái gốc của thị trường xăng dầu hiện nay vẫn do một đơn vị (Petrolimex - PV) chiếm tỷ trọng lớn 63%, như vậy sẽ không có cạnh tranh. Trong khi nhiều nước, một DN chỉ được chiếm tối đa 12% thị phần, quá 12% sẽ bị giải thể hoặc giám sát. Do chưa xử lý được gốc một cách cơ bản nên vẫn phải dùng biện pháp tình thế - tức giao cho đơn vị định đoạt giá nhưng vẫn phải có quản lý của nhà nước vì xăng, dầu là mặt hàng thiết yếu tác động toàn bộ nền kinh tế, mà không có đăng ký, giám sát là không được.

Đã giám sát, quản lý, đăng ký thì phải xin - cho, nhưng khả năng xuất hiện xin - cho như thế nào, tiêu cực ra sao thì phải chống cái đó. Vừa rồi, đối với ngành điện cũng vậy, vẫn phải có sự quản lý. Đã giao cho DN thì phương án tăng giá phải công khai, không chỉ một mà tất cả, quy định cả nội dung và thời điểm công khai để các bộ và công luận giám sát.

Vừa qua có thông tin nghi ngờ Petrolimex kê khai thuế sớm để trốn thuế 64 tỉ đồng, Bộ Tài chính đã xác minh chưa?

Hôm kia (3.7), chúng tôi nhận được thông tin từ một cơ quan hải quan phát hiện có DN xăng dầu có dấu hiệu có thể biết trước thông tin tăng thuế nhập khẩu từ 10% lên 12% nên đã vận dụng điều pháp luật cho phép: được đăng ký tờ khai trước 15 ngày tính từ khi hàng cập cảng. Chúng tôi sẽ kiểm tra tại chỗ đối với đơn vị này để làm rõ đúng sai, nếu sai xử nghiêm theo pháp luật, yêu cầu phải truy thu lại thuế.

Doanh nghiệp nợ thuế 40.000 tỉ đồng

Với mức ước thu cân đối ngân sách nhà nước 6 tháng đạt 346.125 tỉ đồng, đạt 46,7% dự toán và giảm 1,7% so với cùng kỳ, ông Tuấn khẳng định đây là giai đoạn khó khăn nhất của thu ngân sách nhà nước trong 5 năm trở lại đây. Nguyên nhân chính là do hoạt động của một bộ phận DN khó khăn do lượng tiêu thụ giảm, tồn kho lớn (tính đến 1.6 tăng 26,4% so cùng kỳ). Thống kê cho thấy, có khoảng 17.735 DN phá sản hoặc tạm dừng hoạt động trong 5 tháng đầu năm, tăng 9,5% so cùng kỳ 2011. Trong 6 tháng đầu năm, so với cùng kỳ 2011, xăng dầu nhập khẩu giảm 21% về sản lượng, giảm 13% về giá trị giảm thu ngân sách 1.207 tỉ đồng, ô tô nguyên chiếc giảm 60% về lượng, giảm 54,9% về giá trị, giảm thu ngân sách 12.295 tỉ đồng...

Cũng theo ông Tuấn, tổng số nợ thuế của các DN sau 6 tháng đầu năm lên tới hơn 40.000 tỉ đồng, tăng hơn 10.000 tỉ đồng so với cuối năm 2011. Đối với 8 nhóm giải pháp của 2 nghị quyết QH về miễn, giãn, giảm thuế tổng số tiền DN được miễn, giảm, giãn là 36.000 tỉ đồng. Riêng số thuế giá trị gia tăng được giãn là hơn 12.000 tỉ đồng với trên 80.000 DN được hưởng, tính đến hết tháng 6.

Anh Vũ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.