Theo bác sĩ Hồ Mạnh Tường, Tổng thư ký Hội Nội tiết sinh sản và vô sinh TP.HCM, cuộc sống hiện đại, nhiều người lo tập trung cho sự nghiệp, công việc của cơ quan, nên lập gia đình trễ. Bên cạnh đó là áp lực công việc, cuộc sống, ảnh hưởng bởi môi trường… là những yếu tố khiến các cặp vợ chồng trục trặc trong việc có con (hiếm muộn, vô sinh).
"Nữ ngày nay có khuynh hướng lo lập nghiệp nên có gia đình trễ, có con trễ. Chất lượng trứng giảm theo tuổi tác, chất lượng thai kỳ cũng giảm theo", theo bác sĩ Tường.
Thông tin trên được bác sĩ Hồ Mạnh Tường chia sẻ chiều qua (23.7) tại buổi công bố "Chính sách phúc lợi dành cho nhân viên thực hiện hỗ trợ sinh sản theo chỉ định y khoa" của Công ty Merck Việt Nam.
Theo đó, nhân viên của công ty này đang làm việc tại Việt Nam sẽ được công ty hơn hỗ trợ hơn 400 triệu đồng/trường hợp trong điều trị hiếm muộn, vô sinh (hỗ trợ chi phí điều trị đối với các phương pháp hỗ trợ sinh sản, gồm: thụ tinh trong ống nghiệm, bơm tinh trùng vào buồng tử cung, trữ đông trứng…). Chính sách phúc lợi này Merck đã thực hiện được 98% trong số các quốc gia mà Merck đang hoạt động (với 64.000 nhân viên làm việc tại 65 quốc gia); và từ tháng 7 này bắt đầu thực hiện cho nhân viên tại Việt Nam.
Theo bác sĩ Hồ Mạnh Tường, chi phí điều trị vô sinh quá cao là cản trở đối với nhiều cặp vợ chồng, bởi hiện nay việc khám, xét nghiệm, điều trị vô sinh chưa được bảo hiểm y tế chi trả.
"Nhiều người khi còn trẻ lo tập trung làm việc cho các cơ quan, doanh nghiệp nên lập gia đình và có con trễ, dẫn đến hiếm muộn, vô sinh. Nên việc các doanh nghiệp có xu hướng hỗ trợ chi phí điều trị cho nhân viên của mình là điều hợp lý, trong khi bảo hiểm y tế chưa chi trả cho điều trị này. Phúc lợi về sinh sản cho nhân viên tại các doanh nghiệp xuất hiện trên thế giới khoảng 15 năm nay, do tình trạng hiếm muộn, vô sinh trên thế giới ngày càng nhiều", theo bác sĩ Tường.
Tại Việt Nam, theo thống kê của Bộ Y tế, ước tính có khoảng 7,7% dân số bị vô sinh, hiếm muộn. Trong số này có khoảng 50% là các cặp vợ chồng ở độ tuổi dưới 30. Tỷ lệ vô sinh thứ phát (vô sinh sau một lần có thai) đang gia tăng đến 15 - 20% sau mỗi năm và chiếm khoảng 50% các cặp vợ chồng vô sinh.
Theo bác sĩ Tường, nên kiểm tra về sức khỏe sinh sản trước và khi mới lập gia đình để biết chủ động điều trị sớm.
Bình luận (0)