'Khoáng sản như miếng mồi ngon' bị khai thác bất chấp

Mai Hà
Mai Hà
04/11/2024 10:37 GMT+7

Nêu vấn đề lãng phí, đại biểu Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp) cho rằng 'khoáng sản là miếng mồi ngon' đang khai thác triệt để, bất chấp hệ quả.

Sáng 4.11, Quốc hội thảo luận tại hội trường về tình hình kinh tế - xã hội. Nêu vấn đề chống lãng phí trong bộ máy công quyền, đại biểu Mai Thị Phương Hoa (Nam Định) nêu Ban Chỉ đạo T.Ư về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đã bổ sung nhiệm vụ mới về phòng, chống lãng phí.

'Khoáng sản như miếng mồi ngon' bị khai thác bất chấp- Ảnh 1.

Đại biểu Mai Thị Phương Hoa (Nam Định)

ẢNH: GIA HÂN

"Bài viết của Tổng Bí thư Tô Lâm về chống lãng phí đã đánh giá đúng thực trạng, chỉ ra nguyên nhân và đưa ra nhiều giải pháp rất trúng", đại biểu Hoa nói và cho rằng đây là thông điệp mạnh mẽ, sâu sắc, khuyến khích mọi người dân, đặc biệt là cán bộ cần xem xét lại cách thức sử dụng và quản lý các nguồn lực.

Theo bà Hoa, tình trạng này có 4 nguyên nhân. Thứ nhất, một bộ phận cán bộ coi nhẹ chống lãng phí. Lâu nay họ chỉ coi lãng phí là hành vi cần khắc phục nhưng chưa đến mức nghiêm trọng, chưa coi lãng phí là hành vi nguy hiểm cho xã hội.

Thứ hai, một số cán bộ còn quan niệm lãng phí chỉ là việc quản lý, sử dụng vốn, tài sản của Nhà nước không hiệu quả. Thực tế, còn có lãng phí về cơ hội và thời gian. Một chuyên gia nước ngoài nhận định lãng phí cơ hội và thời gian là lãng phí tài sản vô hình lớn nhất của con người.

Khi cơ hội và thời gian trôi qua sẽ không bao giờ quay trở lại, như lời của Tổng Bí thư Tô Lâm: Thủ tục hành chính rườm rà làm lãng phí thời gian của người dân, doanh nghiệp; bệnh sợ trách nhiệm, đùn đẩy công việc sẽ lãng phí cơ hội phát triển của địa phương, đất nước.

Thứ ba, "bệnh thành tích", "tư duy nhiệm kỳ", "tư duy chủ quan" của một số cán bộ muốn thực hiện dự án ở địa phương, bộ, ngành và trong nhiệm kỳ mình làm lãnh đạo để chứng tỏ năng lực, sự năng động. Nhưng do cách làm nóng vội, sự tính toán chủ quan, sự không tuân thủ đầy đủ các quy trình, thủ tục nên một số dự án đã không đem lại hiệu quả. Một số dự án đã được Ban Chỉ đạo T.Ư về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí điểm mặt, chỉ tên.

Thứ tư, chế tài xử lý hành vi lãng phí đã ban hành nhưng tính răn đe chưa cao. Các quy định này chủ yếu có tính chất cảnh báo, nhắc nhở.

"Nếu chúng ta chống lãng phí thành công như chống tham nhũng thời gian qua thì đất nước ta nhất định sẽ vững vàng bước vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình", đại biểu Phương Hoa nêu.

Mỏ khoáng sản cấp phép kiểu xin - cho

Cũng nêu vấn đề lãng phí, đại biểu Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp) nêu về sự lãng phí trong khai thác, sử dụng tài nguyên. "Khoáng sản là miếng mồi ngon", đại biểu nhận định và cho biết những người biết cách sẽ khai thác triệt để, bất chấp hệ quả.

'Khoáng sản như miếng mồi ngon' bị khai thác bất chấp- Ảnh 2.

Đại biểu Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp)

ẢNH: GIA HÂN

Nhiều khoáng sản quý nằm lẫn lộn trong đất đá nên tổ chức, cá nhân lợi dụng sơ hở luật pháp để lách, khai thác. Việc khai thác khoáng sản quý trái phép diễn ra cục bộ ở một số nơi vẫn qua mắt được cơ quan chức năng.

Mặc khác, việc kê khai số lượng quặng, khoáng sản được thu hồi, phụ thuộc vào tính tự giác của tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp nên cơ quan quản lý nhà nước rất khó kiểm soát. Chưa kể, các mỏ khoáng sản được cấp phép khai thác theo cơ chế "xin - cho" cũng làm thất thu ngân sách.

Việc khai thác cát sỏi, vật liệu xây dựng cũng phức tạp, bất cập vì cát sỏi được hình thành theo quy luật tự nhiên của dòng sông, phụ thuộc lưu lượng, dòng chảy, địa hình tích tụ... Việc quy hoạch đánh giá trữ lượng rất khó khăn, độ chính xác không cao, "cát tặc" thường khai thác ở những nơi giáp ranh, địa hình phức tạp giữa các địa phương để dễ dàng lẩn trốn.

Theo đại biểu đoàn Đồng Tháp, áp lực sử dụng cát sỏi thông thường để san lấp, khả năng thiếu vật liệu là rất lớn, sẽ ảnh hưởng đến tiến độ thi công của các dự án, công trình nhưng có điều nghịch lý là khối lượng đất đá thải ra từ các mỏ lại chưa sử dụng do chưa nghiên cứu để sử dụng cho công trình.

Trong khi đó, tro xỉ của các nhà máy nhiệt điện, nhà máy đốt than thải ra hằng năm rất lớn nhưng vẫn chưa được sử dụng thay thế vật liệu san lấp. Lý do, chưa được nghiên cứu kỹ và hướng dẫn thực hiện.

Đại biểu đề nghị Chính phủ, các bộ, ngành có giải pháp cần thiết để sử dụng đất đá thải ra từ các mỏ khoáng sản, xỉ than, từ các nhà máy nhiệt điện, nhà máy điện để sử dụng thay thế cho các sông làm vật liệu thông thường.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.