Tương tự như Việt Nam, nhiều nước và vùng lãnh thổ châu Á khác cũng đón Tết Nguyên đán trong không khí rộn ràng và tràn đầy niềm vui. Người dân cũng có truyền thống đoàn tụ cùng gia đình và mua sắm, ăn uống, vui chơi nhiều hơn vào dịp năm mới âm lịch, dẫn đến tình trạng giao thông quá tải cũng như giá cả nhiều mặt hàng tăng chóng mặt nhưng vẫn “cháy hàng”.
Dịch vụ thuê người yêu
Tại Trung Quốc, dịp tết năm nay được mệnh danh là thời khắc diễn ra “cuộc di dân lớn nhất trong lịch sử” khi ước chừng có khoảng 2,5 tỉ lượt di chuyển bằng các phương tiện đường bộ từ 13.1 đến 21.2, đa số là người dân về quê và sau đó quay trở lại làm việc. Bên cạnh đó là 356 triệu hành khách đường sắt, 58 triệu khách đường hàng không và 42 triệu khách đường thủy. Vé tàu xe luôn “đắt như tôm tươi” và tờ South China Morning Post ước tính có thời điểm mỗi giây có hơn 1.000 vé tàu được bán ra.
Theo truyền thống, Tết Nguyên đán tại Trung Quốc kéo dài đến rằm tháng giêng nhưng đa số đều chỉ nghỉ khoảng 7 ngày và năm nay sẽ đi làm lại vào ngày 3.2. Theo CNN, người Trung Quốc năm nay chi khoảng 100 tỉ USD mua sắm và ăn uống trong 7 ngày tết.
Tuy nhiên, một xu hướng mới tại Trung Quốc dịp tết năm nay là ngày càng có nhiều người trẻ đi du lịch thay vì đoàn tụ với gia đình và thăm viếng họ hàng. Theo trang Hong Kong Free Press, một con số kỷ lục năm nay là có đến 6 triệu người Trung Quốc cho biết họ đi du lịch nước ngoài vào dịp tết, phần lớn đến các nước láng giềng. Trong khi đó, dịch vụ cho thuê người yêu nở rộ dịp tết nhằm phục vụ những người độc thân không muốn bị người thân và bạn bè hỏi han hoặc hối thúc chuyện hôn nhân. Giá cả cho một “bạn gái” hoặc “bạn trai” thay đổi tùy thời điểm có thể lên đến gần 1.500 USD/ngày.
tin liên quan
Bùng nổ dịch vụ cho thuê bạn gái ở Trung QuốcTheo Hoàn Cầu thời báo ngày 18.1, sau vài năm “thăm dò thị trường”, dịch vụ cho thuê bạn gái “hờ” để về ra mắt cha mẹ tại Trung Quốc thực sự bùng nổ vào dịp Tết Nguyên đán năm nay.
Tìm về cội nguồn
Tại Đài Loan, ngoài những phong tục truyền thống như đoàn tụ gia đình, mặc trang phục mới và ăn những món mang lại may mắn vào ngày đầu năm, tết năm nay còn có nét mới là phong trào tự viết thư pháp, theo Reuters. Người Đài Loan thường treo bức thư pháp đỏ trước cửa nhà nhằm “đuổi tà” và cầu may với những lời chúc năm mới thành công, phát tài và dồi dào sức khỏe.
Trần Oánh, một nhiếp ảnh gia 26 tuổi, nói rằng anh và nhiều người muốn tự tay viết thư pháp như một cách để hiểu nhiều hơn về truyền thống văn hóa. “Trước đây tôi ít khi để ý đến những lớp học như thế này”, Trần chia sẻ và nói thêm rằng năm nay có rất nhiều người ở mọi lứa tuổi đang theo những lớp thư pháp ngắn hạn để học viết thư pháp tết như anh.
Tại Hàn Quốc, ngày mùng 1, nhiều người mặc trang phục truyền thống hanbok và tiến hành nghi lễ cúng bái tổ tiên vào buổi sáng. Nghi lễ này do trưởng nam trong nhà đứng ra thực hiện với trái cây, bánh gạo và rượu gạo được bày trên mặt bàn giữa nhà. Sau khi thắp hương khấn mời tổ tiên, cả nhà sẽ cùng bái lạy làm lễ. Theo AFP, cũng như mọi năm, nhiều gia đình tiến hành nghi lễ này bên bờ sông Imjin và vùng biên giới chia cắt bán đảo Triều Tiên để tưởng nhớ tổ tiên trong dòng họ bị thất lạc trong chiến tranh.
Trong khi đó, người dân Malaysia đã đón Tết Nguyên đán trong không khí rộn ràng với sức mua tăng gần 10% trong những ngày vừa qua dù giá cả tăng vọt. Tờ The Star dẫn lời chuyên gia kinh tế Julia Goh tại Ngân hàng UOB Malaysia cho biết giá các mặt hàng thiết yếu như đường, dầu ăn, bơ sữa đều tăng mạnh và một số mặt hàng tăng giá đến 50% vào dịp này.
Một mặt hàng “ăn theo” giá tết là trứng gà tại Hàn Quốc do nước này phải đối phó với dịch cúm A (H5N1) trước tết dẫn đến thiếu hụt trứng. Theo Reuters, Hàn Quốc đã phải lên kế hoạch nhập khẩu 25 triệu quả trứng để đáp ứng nhu cầu. Giá trứng tăng khoảng 75% lên gần 9 USD (khoảng 200.000 đồng)/vỉ 30 trứng vào thời điểm trước tết.
Bình luận (0)