Khoanh trúng ổ, cách ly từng khu nhỏ

01/06/2021 07:32 GMT+7

Việc lập chốt kiểm dịch Covid-19 là tối quan trọng với các khu vực cách ly (áp dụng Chỉ thị 16), giãn cách xã hội (áp dụng Chỉ thị 15 ).

Tuy nhiên không phải điểm nào cũng phải siết quá chặt, “ngăn sông cấm chợ” làm đứt gãy chuỗi cung ứng hàng hóa; cản trở hoạt động hợp pháp của người dân.
Áp dụng máy móc theo kiểu “ngăn sông cấm chợ” không giải quyết được vấn đề gốc trong kiểm soát lây lan dịch.

Gò Vấp lập lại các chốt kiểm soát Covid-19, hạn chế tối đa ra vào

Theo ông Lê Duy Thành, Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc, kinh nghiệm dập dịch của tỉnh này là “phát hiện nhanh, khoanh vùng gọn, xét nghiệm thần tốc, cách ly kịp thời, điều trị tích cực”, triển khai quyết liệt phương châm “bao vây, khoanh vùng, đón đầu và đánh chặn”.
Đầu đợt dịch, trước sự tăng nhanh số ca mắc bệnh, Sở Y tế Vĩnh Phúc từng đề nghị lãnh đạo tỉnh triển khai việc cách ly xã hội toàn tỉnh. Tuy nhiên, tỉnh đã cân nhắc, sau đó chỉ thực hiện cách ly các khu vực nhỏ.
Trong đợt dịch vừa qua, toàn tỉnh có 40 điểm cách ly, chỉ có 1 điểm cấp huyện được cách ly là TP.Vĩnh Yên (đã kết thúc cách ly ngày 19.5, sớm hơn dự kiến 2 ngày); 2 điểm cách ly cấp xã; 37 điểm cách ly cấp thôn, tổ, đội, khu. Hiện tại Vĩnh Phúc không còn điểm cách ly nào.
Khi triển khai việc cách ly tại các điểm, Vĩnh Phúc không áp dụng biện pháp “bế quan tỏa cảng” mà vẫn cho phép duy trì các hoạt động thiết yếu của người dân, hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp. Các cơ sở kinh doanh dịch vụ, hàng hóa thiết yếu không bị đóng cửa hay dừng hoạt động…

Sáng 1.6: Thêm 111 ca Covid-19 trong nước, 51 ca liên quan Hội thánh truyền giáo Phục Hưng

Mới đây tại Bắc Giang, dịch bùng phát đúng vào mùa thu hoạch vải thiều. Với doanh thu lên tới hơn 10.000 tỉ đồng mỗi vụ, nếu không tiêu thụ được thì thiệt hại là vô cùng nặng nề. Song, khó khăn không nằm ở địa bàn tỉnh mà nằm ở các địa phương khác. Dịch bệnh diễn biến phức tạp, nguy cơ lây lan rộng khiến nhiều tỉnh, thành lập chốt kiểm soát gắt gao cả người lẫn phương tiện di chuyển từ Bắc Giang. Việc này khiến quả vải có thời điểm bị ách tắc, không thể vận chuyển kịp thời để tiêu thụ.
Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang Lê Ánh Dương đã phải có văn bản đề nghị Bộ Công thương tham mưu Chính phủ giải tỏa tình trạng “ngăn sông cấm chợ” với hàng hóa của tỉnh. Đồng thời, kêu gọi tất cả các tỉnh, thành không nên siết quá chặt các điều kiện thông thương hàng hóa tại các chốt để mở đường cho quả vải thiều khi đang đến mùa thu hoạch.
Ngay sau khi có chỉ đạo của Chính phủ, Phó chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang Phan Thế Tuấn cho biết việc lưu thông đã diễn ra thuận lợi hơn. “Các tỉnh đều ban hành quy trình phòng chống dịch, trong đó có những quy định mang tính đặc thù. Việc vận chuyển hàng hóa, tiêu thụ nông sản... mất thời gian hơn do phải thêm các thủ tục khai báo y tế, phun thuốc khử khuẩn; thủ tục qua rất nhiều chốt, trạm kiểm soát dịch bệnh do các tỉnh thiết lập”, ông Tuấn nói.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.