Khóc cười khi giá dầu lao dốc

04/08/2015 09:24 GMT+7

(TNO) Theo AP, sau gần 4 năm ổn định ở mức khoảng 100 USD/thùng, giá dầu bắt đầu đi xuống cách đây một năm. Hiện tại, giá dầu đang ở quanh mức dưới 50 USD/thùng. Trước 'cơn bão' đang thổi giá dầu bay khỏi đỉnh cao của nó, không ít công ty khai thác, nhà sản xuất, giới đầu tư, công nhân… liên quan đến công việc khai thác, sản xuất dầu phải khốn đốn. Ngược lại, đối với ngành vận tải, vận chuyển cũng như người tiêu thụ thì giá dầu giảm lại là tin mừng.

(TNO) Theo AP, sau gần 4 năm ổn định ở mức khoảng 100 USD/thùng, giá dầu bắt đầu đi xuống cách đây một năm. Hiện tại, giá dầu đang ở quanh mức dưới 50 USD/thùng. Trước 'cơn bão' đang thổi giá dầu bay khỏi đỉnh cao của nó, không ít công ty khai thác, nhà sản xuất, giới đầu tư, công nhân… liên quan đến công việc khai thác, sản xuất dầu phải khốn đốn. Ngược lại, đối với ngành vận tải, vận chuyển cũng như người tiêu thụ thì giá dầu giảm lại là tin mừng.

Khóc cười với giá dầu giảmCác công ty khai thác, nhà sản xuất, giới đầu tư, công nhân… liên quan đến công việc khai thác, sản xuất dầu đang phải khốn đốn - Ảnh: Getty images
Tình hình giá dầu đi xuống, các công ty kinh doanh vận tải đường bộ, đường thủy và hàng không sẽ tiếp tục vui mừng, bởi chi phí nhiên liệu ảnh hưởng khá lớn đến lợi nhuận kinh doanh của những công ty này.
Theo AP, tại Mỹ, giá xăng bán lẻ trung bình trong 6 tháng đầu năm 2015 thấp hơn 30% so với cùng kỳ năm ngoái. Dầu diesel thấp hơn 27%. Giá xăng bán lẻ trung bình hiện ở mức 2,67 USD/gallon, thấp hơn thời điểm này năm ngoái 85 cent.
Trên lý thuyết, một khi chi phí vận chuyển giảm thì giá hàng hóa cũng giảm theo như vậy sẽ có lợi cho người tiêu dùng. Giá cả hàng hóa giảm, người tiêu dùng sẽ tăng chi tiêu, sẽ có lợi cho hoạt động kinh doanh, buôn bán. Qua đó nền kinh tế cũng hưởng lợi.
Nếu như ngành vận tải phấn khởi, thì ở chiều ngược lại, không ít công ty khai thác, sản xuất dầu đã phải nộp đơn xin bảo hộ phá sản vì giá dầu giảm xuống thấp.
Theo thông tin trên trang Investopedia, Công ty Quicksilver Resources đã nộp đơn xin bảo hộ phá sản vào tháng 3.2015. Cũng trong tháng này, Công ty BPZ Resources đã ngừng hoạt động. Tương tự còn có các công ty: Dune Energy, Sabine Energy, WBH Energy và American Eagle Energy. Nguyên nhân là do chi phí sản xuất của các công ty này, chủ yếu khai thác dầu đá phiến, quá cao so với giá thành.
Cũng theo Investopedia, việc các công ty nộp đơn xin phá sản không chỉ ảnh hưởng đối với riêng họ mà còn ảnh hưởng đến các công ty tài chính đã cho vay nợ cũng như một số lượng lớn nhân công phải thất nghiệp.
Khỏe mạnh hơn, một số tập đoàn dầu khí khổng lồ chỉ bị giảm lợi nhuận kinh doanh. Tuy nhiên, để đối phó với tình trạng giá dầu tiếp tục ở mức thấp, mà theo giới phân tích có thể kéo dài đến 4 năm, các “ông lớn” cũng phải đưa ra kế hoạch cắt giảm chi phí, nhân công.
Theo trang web Oilprice, tiếp sau thông báo cắt giảm 6.500 việc làm để đối phó tình trạng giá dầu giảm kéo dài của Công ty dầu khí khổng lồ Shell đưa ra hôm 30.7, đến lượt Công ty Centrica của Anh cũng đã thông báo kế hoạch cắt 6.000 việc làm đồng thời giảm quy mô sản xuất dầu và khí đốt. Trong khi nhà thầu năng lượng của Ý là Saipem cũng cho biết sẽ cắt giảm 8.800 việc làm trong 2 năm.
Theo AP, Giám đốc tài chính của tập đoàn dầu khí BP Brian Gilvary cho biết công ty cũng đã cắt giảm nhân sự và có thể cắt giảm tiếp trong thời gian tới. Lợi nhuận quý 2 của BP đã giảm 64%.
Thê thảm hơn, cũng vì giá dầu lao dốc mà lợi nhuận quý 2 của tập đoàn Chevron Corp giảm đến 90%, vượt khỏi mọi dự đoán của giới phân tích. Lợi nhuận ròng của Chevron trong quý 2 chỉ đạt 571 triệu USD thấp hơn khá xa so với con số 5,67 tỉ USD của cùng kỳ năm ngoái.
Theo Reuters, Giám đốc điều hành của tập đoàn Chevron, John Watson cho biết công ty đang nỗ lực tối đa để cải thiện thu nhập trong tương lai. Trước đó, ngay đầu tuần cuối tháng 7, ông đã giảm bớt 2% số nhân viên công ty (khoảng 1.500 nhân công).
Giám đốc điều hành của Shell, ông Ben van Beurden cho biết: “Đây là thời kỳ thử thách đối với ngành công nghiệp dầu khí và chúng tôi đang quyết tâm, khẩn trương đối phó với nó”.
Theo AP, các nhà phân tích của IHS Energy (thuộc công ty cung cấp thông tin dữ liệu hàng đầu thế giới IHS Inc.), dự đoán giá dầu sẽ tiếp tục giảm, có thể xuống mức 40 USD/thùng và kéo dài trong nhiều tháng.
“Đây quả là tin không vui cho những nhà khai thác và sản xuất dầu nhưng lại là tin tốt lành cho người tiêu dùng”, ông Nariman Behravesh, kinh tế trưởng của IHS, nhận xét.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.