Khóc hết nước mắt vì 'Diều ơi!'

Hoàng Kim
Hoàng Kim
30/06/2019 10:11 GMT+7

Sân khấu 5B lại ra mắt ngay một vở khác tiếp theo Tiền là số 1, mà vở này là một bi kịch làm khán giả khóc hết nước mắt.

Diều ơi! (tác giả Hữu Quốc, đạo diễn Hữu Quốc - Vũ Trần) với tình mẹ bao la nơi chốn quê nghèo, thắt lòng những ai đã từng lãng quên, hờ hững…
Đề tài mẫu tử luôn chinh phục trái tim mọi người và ở đây lại chọn cánh diều làm một biểu tượng đặc sắc. Cánh diều dù có bay cao tới đâu thì sợi dây mỏng manh của nó vẫn neo lại nơi gốc quê, níu chân người ta tìm về, không thể bỏ quên. Cánh diều lại vừa đẹp về khía cạnh thẩm mỹ, về ý nghĩa văn học, cho nên người xem mang theo nó ngay cả khi màn nhung đã khép. Một thứ ngôn ngữ biểu tượng mà hiếm thấy kịch bản nào sử dụng. Vì vậy khán giả dành cho tác giả Hữu Quốc những tràng pháo tay vang dậy trong khi nước mắt vẫn còn rưng rưng.
NSUT Quỳnh Hương và bé Gia Hân trong vở Diều ơi (ảnh: H.K)

NSƯT Quỳnh Hương và bé Gia Hân trong vở Diều ơi

Ảnh: H.K

NSƯT Hữu Quốc nổi tiếng bên cải lương, không chỉ diễn hay mà còn dựng giỏi, rồi bắt tay vào viết luôn cho đàn em của mình thi thố tài năng. Kịch bản này đầu tiên là phim truyện hai tập anh viết và dựng coi như “đo ni đóng giày” cho “đệ tử” là diễn viên nhí Quách Phú Thành, với lượng view lên đến gần 1 triệu. Giờ anh chuyển thành kịch nói, cũng lấy nước mắt người ta không thua gì phim.
Và cũng như phim, hầu hết các vai chính của vở kịch Diều ơi đều là dân cải lương, như NSƯT Thoại Mỹ (vai cô Hai), NSƯT Hữu Quốc (vai người cha), NSƯT Quỳnh Hương (vai bà ngoại), bên cạnh dân kịch nói “thứ thiệt” là Nghinh Lộc (vai cô Nhung), Tuyền mập (bà Tám), Võ Ngọc Tân (ông Chín), Tuyết Oanh (bé Diều khi trưởng thành), Gia Hân (bé Diều lúc nhỏ). Bởi là dân cải lương nên các nghệ sĩ diễn ngọt ngào vô cùng, vì họ quá quen với những bi kịch và chất tự sự mà cải lương vốn có.
Thoại Mỹ trong vai người mẹ tâm thần yêu con bằng tất cả tiềm thức, lúc nào cũng chỉ nhớ duy nhất hình ảnh con và cánh diều, lời ru, đã lăn lộn, khóc cười, ngơ ngác, gào thét, hoảng loạn… một cách tuyệt vời. Chị từng đóng nhiều vai cải lương vất vả, công phu như vậy, bẵng đi rất lâu giờ mới thấy chị “tái xuất giang hồ” với kiểu nhân vật “khó” nhưng không hề giảm sút nội lực.
Nhưng người ta khóc với cô Hai của Thoại Mỹ một phần thì lại khóc với nhân vật bà ngoại của NSƯT Quỳnh Hương đến hai phần. Quỳnh Hương tuy trẻ nhưng đã có mười mấy năm nổi tiếng với những vai già, giờ hóa thành một bà ngoại nghèo khổ, gánh nặng đứa con tâm thần và đứa cháu ngây thơ. Ngay trong bà ngoại đã có tình mẫu tử với đứa con gái tâm thần, che chở con trong nỗi bất hạnh. Bà chống chỏi hết sức tàn, rồi từ từ rũ xuống như chiếc lá mùa thu rơi khỏi cành, để lại một cõi nhớ vô biên trong lòng đứa cháu nơi đất Mỹ xa xôi. Bé Diều về tới quê nhà đã gào lên “Ngoại ơi! Ngoại ơi!” chính là lúc khán giả khóc như mưa. Ai cũng có một bà ngoại nơi làng quê xa, hoặc trong ký ức tuổi thơ, mà nấm mồ đã xanh cỏ tự bao giờ… Cho nên hình ảnh bà ngoại của Quỳnh Hương đã khơi gợi những yêu thương và hoài niệm, nước mắt người ta tự rơi không cầm được. Quỳnh Hương diễn nhẹ nhàng mà tỉ mỉ, chân thật từng chi tiết, quả không hổ danh nghệ sĩ ưu tú.
Bé Gia Hân cho thấy một triển vọng sân khấu với gương mặt sáng và giọng nói chuẩn. Gia Hân diễn thật thà, tình cảm, khiến sân khấu trở nên dễ thương vô cùng.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.