Khóc những nhà văn đàn anh Vũ Hạnh, Trần Hữu Lục, Lê Thành Chơn, Nguyễn Quốc Trung

11/09/2021 10:37 GMT+7

Chỉ vỏn vẹn trong vòng một tháng mà bốn bậc nhà văn đàn anh của Hội Nhà văn Việt Nam và Hội Nhà văn TP.HCM đã ra đi: Vũ Hạnh, Trần Hữu Lục, Lê Thành Chơn, Nguyễn Quốc Trung trong những ngày giãn cách xã hội . Thương quá.

Bốn cây đại thụ của văn chương phương Nam đã sống lặng lẽ, âm thầm viết, chết âm thầm rồi lặng lẽ đi xa một mình: không tang lễ, không bạn bè đưa tiễn, không người thân cận kề chăm chút. Buồn quá và đau thương quá mấy anh ơi...
Biết rằng chết là hết, không cần gì phải rình rang nhưng dẫu sao có bạn bè đưa tiễn, có con cháu đưa về cõi vĩnh hằng như những đám tang bình thường từ xưa tới giờ thì linh hồn người chết được an ủi ấm áp biết bao...

Một số tác phẩm để đời của nhà văn Vũ Hạnh

Ảnh: T.L

Vì đâu mà ra cảnh hoang vắng thế này, lạnh lẽo thế này chắc các anh cũng biết rồi. Xin hãy thông cảm và tha lỗi cho những người còn ở lại , dù không đến thắp nén nhang, không được nhỏ giọt nước mắt biệt ly nhưng mọi người đều đau nhói lòng nhói dạ khi nghĩ đến những người anh dù thân sơ như thế nào, dù it khi gặp nhau nhưng vẫn biết tin nhau là anh nọ anh kia vẫn bình an và lặng lẽ viết...
Dù ít thăm nhau nhưng đôi lúc cũng có dịp gặp gỡ vì công việc. Tôi đến gặp anh Vũ Hạnh khi anh đang đi trên đuòng bị choáng và ói phải xuống xe ngồi tựa cột đèn đường. Tự tay tôi bấm huyêt, bắt gió cho anh rồi cùng nhà thơ Lê Tú Lệ đưa anh vào Bệnh viện Thống Nhất (TP.HCM). Tuy lớn tuổi nhưng anh vẫn chạy xe ào ào ngoài đường, hiền lành và ít nói hay cười và viết đều.

Trần Hữu Lục, văn nhân đất kinh kỳ Huế

Ảnh: T.L

Đại tá - nhà văn Nguyễn Quốc Trung và tác phẩm tạo tiếng vang dư luận của ông

Ảnh: T.L

Nhà văn Lê Thành Chơn, đại tá không quân chuyên viết về mảng chiến đấu trên không, đề tài này rất hiếm người Việt viết được. Anh từng là Giám đốc khách sạn Sài Gòn, một doanh nghiệp giỏi đã vực dậy một đơn vị từng xuống cấp và thua lỗ, làm ăn khấm khá, giúp đỡ nhiều mảnh đời khốn khó, chiêu đãi bạn văn và các buổi họp văn chương của các Hội hết sức hào phóng, vui vẻ và rất hiền lành hòa nhã..
Nhà văn Trần Hữu Lục, văn nhân đất kinh kỳ Huế, là một trong những nhân vật tên tuổi của phong trào đấu tranh "một thời để nhớ" của xứ Huế, tác phẩm của anh để lại thật nhiều , tánh tình nho nhã, kiến thức uyên bác, tổ chức nhiều lễ hội và nhiều chương trình của Đài Truyền hình TP.HCM...Nhớ mãi những câu thơ trong bài thơ Huế thu của Trần Hữu Lục: Hai hàng đèn lồng soi lối cũ/Gió thu hiu hắt trên ghế ngồi/Hương hồ thoảng lại mùa hoa sứ/Vườn đêm tí tách tiếng mưa rơi. Em hiền hòa làm con sóng vỗ/Nhắn mây thu tím trên bến chiều/Lá trúc vô tình còn ngóng đợi/Và nguyệt cầm nghiêng xuống bến xưa.
Đại tá Nguyễn Quốc Trung, anh lặng lẽ viết và lặng lẽ sống. Không khoa trương, không nói nhiều về mình. Vui vẻ, hiền lành, dễ thương vô cùng mà  lao vào nhiều đề tài gai góc của đời sống, thời cuộc...Đúng như lời nhà văn Trần Văn Tuấn (nguyên Chủ tịch Hội Nhà văn TP.HCM) nhận xét: "Nguyễn Quốc Trung đã tự thay đổi mạnh mẽ qua tập truyện ngắn Cô gái tính nhảy cầu Rạch Miễu. Không chỉ sự lựa chọn đề tài mà cách thể hiện, từ cấu trúc đến mạch văn, cho thấy Nguyễn Quốc Trung đã vượt lên chính mình bằng tác phẩm mới mà ông dày công sáng tác hàng chục năm qua. Một tập truyện mang tính thời sự đáng đọc và suy ngẫm".

Nhà văn quân đội Lê Thành Chơn

Ảnh: T.L

Các nhà văn tên tuổi: Vũ Hạnh, Trần Hữu Lục, Lê Thành Chơn, Nguyễn Quốc Trung đều có chung một điểm là viết khỏe, có nhiều tác phẩm để đời và đặc biệt là phẩm chất vô cùng tốt đẹp. Các nhà văn đều mang trong người lý tưởng cao cả, không thể nào kể hết ra đây, mà chỉ thầm tiếc thương những người anh, người bạn không còn nữa...Biết rằng sinh sinh ly tử biệt là chuyện bình thường của cuộc đời đang quá vô thường, nhưng sao dồn dập và tức tưởi. Sự ra đi của các anh đã để lại khoảng trống quá lớn cho văn chương đất phương Nam...
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.