Hàng chục tàu đánh bắt xa bờ của ngư dân Phú Quý đã bỏ nghề cá, chuyển sang cạy vớt trai tai tượng nằm trong các bãi ngầm xung quanh các đảo chìm Trường Sa. Mỗi chuyến, 1 tàu khai thác từ 50-70 tấn vỏ trai và mỗi chuyến chỉ kéo dài 15-20 ngày.
Xà beng, máy thổi tan tành san hô
Đầu tháng 6.2016, tôi gặp tàu BTh-98181.TS đang neo đậu tại khu vực đảo chìm Tốc Tan (huyện đảo Trường Sa, Khánh Hòa). Mặc dù thân tàu đã chìm sâu dưới mặt nước do chở nặng, nhưng các ngư dân vẫn hối hả lao xuống biển mò vớt mà không có thiết bị lặn như các tàu bắt cá thông thường. Hỏi thuyền trưởng Nguyễn Ngọc Hữu (45 tuổi, ở thôn Phú Long, xã Long Hải, H.Phú Quý, Bình Thuận) mới biết họ đang lặn vớt “tai wơu” về bán cho thương lái đang chờ thu mua tại cảng Phan Thiết (Bình Thuận).
|
“Tai wơu” là tiếng địa phương của người dân Bình Thuận đối với trai tai tượng (thuộc bộ ngao Veneroida) - nằm trong danh mục các loài thủy sinh quý hiếm có nguy cơ tuyệt chủng ở Việt Nam cần được bảo vệ, phục hồi và phát triển. Loài trai tai tượng hiện đang sinh sống tại khắp các đảo thuộc quần đảo Trường Sa, đặc biệt là tại các đảo chìm như: Núi Le, Tốc Tan, Thuyền Chài, Đá Đông, Đá Lát, Đá Tây, Đá Nam, Phan Vinh B…
Thông thường, tàu thả neo ngoài bãi ngầm của đảo chìm, ngư dân hạ xuồng nhỏ, mang xà beng cuốc xẻng tiếp cận phía trong bãi và lặn sâu chừng 3-5 mét, phá mảng san hô để tìm vỏ trai tai tượng kích thước lớn. Ngư dân sẽ dùng cuốc xẻng để cạy tìm từng mảnh. Khi gặp vỏ lớn hàng mét, họ sẽ tập trung người dùng xà beng đâm vỡ các vật thể xung quanh để khai thác nguyên trạng. Càng loại vỏ lớn, hóa thạch lâu ngày càng được chọn tìm vì giá cao… Ở những khu vực nước nông, một số tàu còn đưa vòi của máy thổi cát xuống đáy biển để làm sạch trên diện tích lớn; phá hoại rặng san hô đang sinh trưởng.
|
Ông Đỗ Thanh Hảo (41 tuổi, ở thôn Tân Hải, xã Quý Hải, H.Phú Quý, Bình Thuận), thuyền trưởng tàu BTh-96004.TS kể: Mỗi tàu Việt Nam mò vớt khoảng 3-5 tấn/ngày. Phía Trung Quốc cũng có một số tàu khai thác vỏ trai tai tượng nhưng họ sử dụng máy xúc và hệ thống sàng cát, vật thể nhỏ để thu hoạch những vỏ lớn từ 1 mét trở lên. “Những tàu Trung Quốc tập trung tìm vớt ở các bãi cạn không người như Én Đất, Ba Đầu, Đền Cây Cỏ, Bãi chim biển, Suối Ngọc. Mỗi khi họ khai thác, nước đục loang cả vùng và chúng tôi thấy họ, phải tránh ra xa”, thuyền trưởng Đỗ Thanh Hảo kể.
Cá tôm chạy sạch
|
Thuyền trưởng tàu BTh-96689.TS Trần Quang Phố (43 tuổi, ở xã Long Hải, Phú Quý, Bình Thuận) có thâm niên hơn 20 năm đánh bắt thủy sản ngoài Trường Sa kể: Những vỏ sò tai tượng dưới đáy biển lâu ngày đều hóa thạch, kết dính với nhau rất chặt và thành nơi trú ẩn, kiếm ăn của các loài sinh vật biển. Lớp vỏ sò này cũng là đế vững chắc cho san hô bám dính, sinh sống. Nơi có nhiều vỏ sò lớn, càng nhiều tôm cá và là điểm lặn bắt tôm cua cá của ngư dân. Từ đầu năm 2016 đến nay, những điểm lặn như vậy càng ít bởi các tàu khai thác vỏ sò tìm đến trục vớt, phá hoại sinh thái biển.
“Hiện tại, các chuyến đi biển của chúng tôi phải kéo dài thêm 7-10 ngày do tìm điểm lặn mới. Những khu vực lặn bắt truyền thống như Đá Tây, Núi Le, Tốc Tan, Phan Vinh B, Thuyền Chài đều rất ít cua cá”, ông Phố thở dài và lắc đầu: “Tàu khai thác vỏ chuyên bám theo chúng tôi để dò điểm lặn. Chúng tôi thấy họ là phải tránh nơi khác. Như chơi ú tim!”.
“Khai thác vỏ sò tai tượng là nhàn và thu lợi nhanh nhất”, một thuyền trưởng ở Phú Quý khẳng định. Ông này tính toán: Tàu đánh bắt hải sản phải có thợ lặn, trang thiết bị lặn sâu, sắm lưới - câu, đá lạnh bảo quản… Với tàu vớt vỏ sò, chỉ cần lao động có sức khỏe để trục vớt sản phẩm và trang thiết bị chỉ đơn giản là cuốc xẻng xà beng, máy hút cát. Tàu đánh bắt hải sản đi biển từ 30-60 ngày, tiêu tốn nhiên liệu, tiền công cho ngư dân đi trên tàu. Trong khi đó, tàu vớt vỏ sò chỉ dừng đỗ tại 1-2 điểm để lặn vớt, chất đầy khoang là chạy về bờ bán hàng trong khoảng thời gian 10-15 ngày, ít tốn kém…
|
Chính vì bài toán kinh tế này, hiện số tàu chuyên khai thác vỏ sò tai tượng ở Phú Quý đã lên đến con số 20 chiếc. Một số chủ tàu bỏ hẳn nghề cá chuyển sang khai thác vỏ sò, thậm chí đầu tư tàu trọng tải 100 tấn để chuyên chở liên tục từ Trường Sa về đất liền. “Những tàu đánh bắt thủy sản giờ cũng tranh thủ vớt thêm vỏ sò tai tượng trong mỗi ca lặn. Trước chỉ lặn bắt tôm cua cá, giờ tận thu từng con ốc nhỏ, vò sò chết. Đáy biển Trường Sa, nhiều chỗ giờ chỉ còn cát và san hô chết”, thuyền trưởng Nguyễn Ngọc Hữu kể.
“Không biết dân khai thác để làm gì”
Thượng tá Nguyễn Trung Kiên, Đồn trưởng Đồn Biên phòng Phú Quý là người nắm rõ nhất về tình hình của huyện đảo chỉ cách Trường Sa chỉ 540km. Thượng tá Kiên cho biết: “Cả huyện đảo có gần 430 tàu cá khai thác biển xa, chủ yếu là khu vực Trường Sa - DK1 và đầu năm đến nay rất nhiều tàu đi vớt vỏ sò. Chưa thấy văn bản cấm khai thác. Ở đây, tàu chở vỏ sò Trường Sa về như cơm bữa. Họ nghỉ vài ngày, xong mới vào đất liền bán”.
|
Ông Đỗ Châu, Trạm trưởng Bảo vệ nguồn lợi thủy sản Phú Quý kể: Mỗi chuyến, 1 tàu chở khoảng 50-70 tấn vỏ sò từ Trường Sa về bán. 20 tàu chuyên khai thác vỏ từ đầu năm đến nay, ít cũng 3 chuyến, nhiều lên đến 6-7 chuyến. Các vỏ sò đều mất gai, không nguyên trạng 2 vỏ, thậm chí đã lão hóa và thuộc dạng trầm tích nên khi bị cách ly sẽ ảnh hưởng rất lớn đến môi trường sinh thái biển.
"Chúng tôi biết là tai hại nhưng không thể cấm vì không có quy định. Hiện ở cảng Phan Thiết có một số người Trung Quốc chuyên thu mua vỏ tai tượng Trường Sa để mang về nước làm thủ công mỹ nghệ. Tôi không tin vì vỏ sò lâu ngày trắng đục, sứt sẹo, bị lão hóa sắp thành cát, không thể làm được thứ gì.
“Việc mang vỏ sò tai tượng, đá hóa thạch ngoài đảo về lại đất liền không khác gì việc khoét đá phá hoại Trường Sa”, ông Châu nói.
Trai tai tượng (tên khoa học Tridacna gigas; tên tiếng Anh là Giantclam; thuộc bộ ngao Veneroida, họ trai tai tượng Tridacnidae) là loài trai lớn và nặng nhất trong ngành thân mềm, sống cố định ăn lọc các loài động thực vật phù du. Trai tai tượng thường dùng chân tơ bám vào bờ đá hay các rạn san hô dưới triều; phân bố ở khu vực quần đảo Trường Sa. Đây là loài quý hiếm, phân bố hẹp; không phải đối tượng khai thác (mức độ đe dọa bậc EN).
(Nguồn: Atlat các loài thủy sinh quý hiếm có ngư cơ tuyệt chủng tại Việt Nam - Cục Khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản, Tổng cục Thủy sản)
|
Bình luận (0)